Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đệ trình lên Quốc hội dự luật gia hạn 5 năm Hiệp ước New START. (Nguồn: dfnc.ru) |
Theo một chú thích đính kèm dự luật trên, được công khai trên trang chủ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, “ngày 26/1, Nga và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước”, 2 bên “nhất trí trên nguyên tắc” về việc gia hạn 5 năm Hiệp ước này.
Ngay sau động thái trên, cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev khẳng định, Thượng viện sẵn sàng và chắc chắn sẽ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận gia hạn Hiệp ước New START trong phiên họp ngày 27/1.
Ông Kosachev cũng bày tỏ tin tưởng rằng, cả hai viện của Quốc hội Nga “sẽ không lãng phí thời gian để cho phép gia hạn thỏa thuận này thông qua mọi thủ tục phê chuẩn cần thiết”.
“Sẽ là rất tốt để khởi đầu sự hợp tác giữa chúng tôi với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden bằng một bước đi mang tính biểu tượng kiểu này, vốn có thể mở ra những cánh cửa mới và mang lại nhiều cơ hội đạt được tiến triển liên quan những vấn đề khác đang tồn tại trong mối quan hệ đầy bất ổn giữa chúng ta”, quan chức Thượng viện Nga nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga Viktor Bondarev cho rằng, mức độ tin cậy giữa Moscow và Washington đang tăng lên.
Phát biểu trước báo giới, ông Bondarev nhấn mạnh: "Nhờ những công việc mà Tổng thống và chính phủ của chúng ta đã thực hiện, mức độ tin cậy giữa hai nước đang tăng lên. Chúng ta phải chấm dứt tranh cãi, tìm ra những điểm chung để tạo điều kiện củng cố hơn nữa hòa bình và ổn định trên toàn thế giới".
Theo chính trị gia này, tất cả những biện pháp được triển khai hiện nay đều khẳng định thiện chí của chính giới và quân đội.
Bình luận về việc gia hạn thỏa thuận Hiệp ước, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng của Nga Igor Korotchenko cho rằng, đây là rất quan trọng để đảm bảo sự sự cân bằng chiến lược-quân sự giữa hai cường quốc và an ninh quốc tế nói chung.
Gọi New START là thỏa thuận tối quan trọng xác định tình hình chiến lược-quân sự toàn cầu, ông Korotchenko lưu ý, quyết định của Tổng thống Biden nói lên tính thực tiễn của chính quyền mới của Mỹ và sự đánh giá thỏa đáng về tầm quan trọng của Hiệp ước.
New START đã được thực thi kể từ năm 2011, là Hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Theo đó, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.