📞

Nga nắm trong tay vũ khí gì mà tự tin có thể biến tên lửa thông minh của NATO trở thành vô dụng?

Văn Đỉnh 07:59 | 08/02/2022
Phản ứng trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường các hệ thống tên lửa thông minh dọc biên giới Nga, các sư đoàn thuôc quân khu phía Tây của nước này đã thành lập những tiểu đoàn tác chiến điện tử mới.
Nhiệm vụ của những tổ hợp tác chiến điện tử của Nga là làm cho tên lửa thông minh của đối phương không thể tiếp nhận được tọa độ mục tiêu, mất khả năng định hướng, biến chúng thành một sản phẩm vô dụng. (Nguồn: Army Recognition)

Những đơn vị tác chiến điện tử mới trên sẽ bảo vệ các khu công nghiệp và các công trình xã hội quan trọng.

Tiểu đoàn tác chiến điện tử đầu tiên sẽ được thành lập ở sư đoàn bộ binh cơ giới số 3, sư đoàn từng được trao tặng huân chương Suvorov, huân chương Kutuzov. Các đơn vị của sư đoàn này đang đóng quân ở tỉnh Belgorod và Voronezh.

Sắp tới, sư đoàn bộ binh cơ giới số 144, sư đoàn bộ binh cơ giới số 2, sư đoàn tăng số 4 cũng được biên chế những tiểu đoàn tác chiến điện tử này.

Những đơn vị tác chiến điện tử có nhiệm vụ chế áp tín hiệu vệ tinh, tín hiệu thông tin di động và hệ thống định vị, trong đó có hệ thống GPS của đối phương nhờ được trang bị tổ hợp tác chiến điện tử R-330 Zhitel, Leep-3 và Borisoglebsk-2.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, những tiểu đoàn tác chiến điện tử mới sẽ tạo thành một lá chắn vững chắc và tin cậy cho khu vực phía Tây của nước này, trong đó có tỉnh Belgorod và Moscow, trước các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao của đối phương.

Tư lệnh quân khu phía Tây, Đại tướng Aleksander Zhuravlev nêu rõ: “Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn tác chiến điện tử thuộc sư đoàn bộ binh cơ giới số 3 đang tập huấn chương trình tác chiến điện tử. Việc biên chế thêm tiểu đoàn tác chiến điện tử sẽ giúp rút ngắn thời gian tiếp cận những thông tin cần thiết và nâng cao khả năng trinh sát của sư đoàn”.

Trong bối cảnh NATO đã triển khai các hệ thống vũ khí tấn công công nghệ cao sát biên giới Nga, chuyên gia quân sự Nga Andrey Florov đánh giá, các thiết bị tác chiến điện tử hiện đại được triển khai ở sườn Tây của nước này có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo vị chuyên gia này, tuy hiện nay Mỹ chưa triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu, nhưng tên lửa hành trình JASSM mà Ba Lan mua của Mỹ, được xem là một trong những vũ khí rất lợi hại trong khu vực. Với tầm bắn trên 300km, JASSM có thể dễ dàng tấn công các mục tiêu ở Kalinigrad và Belarus.

Ông Andrey Florov nhận định: "Nếu thực tế đúng như những gì đã công bố, thì đây quả thực là nguy cơ không nhỏ".

Ngoài ra, tên lửa chiến dịch - chiến thuật ATACMS, lực lượng không quân và máy bay không người lái, trong đó có cả những loại có thể mang theo tên lửa hành trình cũng được xem là những nguy cơ với Nga.

"Để đối phó với các nguy cơ này, chỉ có thể trông đợi vào các thiết bị tác chiến điện tử, thứ vũ khí có thể phá hủy hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống điều khiển của đối phương", chuyên gia Andrey Florov nói.

Hiện các nước thành viên NATO ở Đông Âu đang nỗ lực mua sắm vũ khí chính xác cao. Đáng chú ý, Ba Lan và Romania rất quan tâm hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS của Mỹ.

Tháng 11/2020, trong khuôn khổ cuộc diễn tập chung giữa Mỹ-Romania mang tên Rapid Falcon, lần đầu tiên hệ thống này được lữ đoàn pháo binh mặt đất số 41 ở Grafenwohr khai hỏa.

Romania đã đặt mua của Mỹ tổng cộng 54 hệ thống hỏa lực HIMARS, 162 tên lửa thông minh, chính xác cao MLRS (tên lửa được điều khiển bằng hệ thống định vị vệ tinh GPS), 54 tên lửa chiến dịch – chiến thuật ATACMS và nhiều vũ khí khí tài khác.

Đầu năm 2021, Bucharest đã nhận được 18 hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS. Số vũ khí này, Romania trang bị cho tiểu đoàn tên lửa chiến dịch – chiến thuật số 81 đóng quân ở Fosani.

Trong khi đó, năm 2019, Ba Lan đã đặt mua của Mỹ 20 hệ thống hỏa lực HIMARS. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp số vũ khí này cho Ba Lan vào năm 2023.

Theo chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov, tiểu đoàn tác chiến điện tử được trang bị những tổ hợp tác chiến điện tử Zhitel, Leep-3 và Borisoglebsk-2, có thể thực hiện trinh sát điện tử, chế áp thông tin và hệ thống định vị vệ tinh, ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Vị chuyên gia này chỉ ra rằng, tất cả tên lửa thông minh, chính xác cao đều sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS để tìm và diệt mục tiêu. Khi bay vào khu vực có mục tiêu, những tên lửa thông minh cần phải xác định được vị trí của mục tiêu cần tấn công.

Nhiệm vụ của những tổ hợp tác chiến điện tử là làm cho tên lửa thông minh đối phương không thể tiếp nhận được tọa độ mục tiêu, mất khả năng định hướng, biến chúng thành một sản phẩm vô dụng.

Ông Alexei Leonkov nhấn mạnh: “Ngoài tên lửa thông minh, thì máy bay không người lái và tất cả các loại vũ khí thông minh khác có sử dụng hệ thống GPS đều phải chịu chung số phận như vậy”.

(theo iz.ru)