Một dàn khai thác dầu của Nga. (Nguồn: Max Andeev) |
Ông Abramov nêu rõ: "Hậu quả của một quyết định như vậy (do các nước G7 và Australia áp đặt) là rõ ràng: nó sẽ dẫn đến nhu cầu bùng nổ, gián đoạn chuỗi cung ứng và giá nhiên liệu trên toàn cầu tăng cao đột ngột".
Đồng quan điểm, Đại sứ quán Nga tại Mỹ tuyên bố Moscow sẽ tiếp tục tìm khách hàng có nhu cầu mua dầu, đồng thời chỉ trích hành động được xem là "định hình lại" các nguyên tắc thị trường tự do.
Đăng trên Telegram, Đại sứ quán Nga nhấn mạnh: "Các bước đi như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả bất ổn gia tăng và áp đặt chi phí cao hơn cho các khách hàng có nhu cầu về nguyên liệu thô. Bất chấp những ý đồ nguy hiểm, chúng tôi tin tưởng dầu của Nga vẫn sẽ tiếp tục có người mua".
Trước đó một ngày, Liên minh châu Âu (EU) cùng các nước thuộc nhóm G7 nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ của Nga. Theo kế hoạch của châu Âu, phối hợp với Mỹ, G7 và các đồng minh phương Tây khác, nếu giá thị trường của dầu Nga giảm xuống dưới 60 USD/thùng, giá trần sẽ được hạ xuống tới khi thấp hơn 5% so với giá thị trường.
Vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi bình luận về ý tưởng của phương Tây nhằm áp giá trần đối với các nguồn năng lượng của Nga, tuyên bố Moscow sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ra nước ngoài nếu điều này trái với lợi ích của chính nước Nga. Phó Thủ tướng Alexander Novak khẳng định Nga sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần.