📞

Nga nhường bước, bật đèn xanh cho Bắc Kinh trở thành ‘người chơi chính’ ở Bắc Cực, đây là lý do

Hải An 08:36 | 05/10/2023
Đối với Trung Quốc, sự chào đón của Nga liên quan Bắc Cực mang đến một cơ hội mà lâu nay nước này tìm kiếm. Khi nói đến khu vực này, Bắc Kinh không cần phải quan tâm quá nhiều đến chính sách chính thức của Moscow.
Tàu phá băng ở Bắc Cực. (Nguồn: Shutterstock)

Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành một nước chủ chốt ở Bắc Cực từ lâu đã bị nước láng giềng Nga làm thất vọng. Giờ đây, giống như lớp băng bao quanh cực Bắc Trái đất, sức đề kháng của Moscow dường như đang tan dần.

Thắt chặt hợp tác cùng có lợi

Đối mặt với sự cô lập về kinh tế liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine, các công ty năng lượng phương Tây rút khỏi các dự án của Nga, Moscow đang quay sang Bắc Kinh, tăng hợp tác trong mục tiêu phát triển Bắc Cực. Sự hợp tác mới được thể hiện rõ ràng nhất trong việc tăng cường vận chuyển dầu thô trên Tuyến đường biển phía Bắc, đi qua Bắc Cực từ Tây Bắc Nga đến Eo biển Bering.

Khối lượng dầu tuy còn ít so với những gì được vận chuyển qua các tuyến phía Nam, nhưng con số đã tăng lên trong những tuần gần đây. Nga khẳng định quyền quản lý quá cảnh trên tuyến đường này.

Nhu cầu đã thúc đẩy Moscow cho phép các tàu chở dầu lớn hơn hoạt động mà không trang bị chuyên dụng để đi qua vùng có các lớp băng dầy như Bắc Cực. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự cố tràn dầu ở khu vực. Con tàu đầu tiên trong số hai tàu chở dầu lớn đã cập cảng Trung Quốc trong những ngày gần đây, mỗi chiếc chở hơn một triệu thùng dầu.

Nga đã cùng Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận hải quân và dàn xếp an ninh hàng hải ở vùng cực Bắc, đồng thời mong muốn Bắc Kinh hỗ trợ về công nghệ như dữ liệu vệ tinh để theo dõi tình trạng băng giá.

Ông Marcus M. Keupp, giảng viên kinh tế tại Học viện quân sự thuộc Viện công nghệ Liên bang Thụy Sỹ, người chuyên nghiên cứu về Bắc Cực nhận định: “Khi nói đến Bắc Cực, Trung Quốc không cần phải quan tâm quá nhiều đến chính sách chính thức của Nga nữa”.

Đối với Trung Quốc, sự chào đón của Nga liên quan tới Bắc Cực mang đến một cơ hội lâu nay nước này tìm kiếm. Bắc Kinh muốn mở rộng vai trò ở Bắc Cực để tăng khả năng tiếp cận tuyến đường hàng hải, tài nguyên thiên nhiên và các cơ hội nghiên cứu khoa học khác, đồng thời mở rộng ảnh hưởng quân sự và chiến lược của mình.

Trung Quốc đã đề xuất “Con đường tơ lụa” như một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm tận dụng khoảng cách ngắn hơn để vận chuyển hàng hóa qua Bắc Cực, tránh các điểm nghẽn ở Kênh đào Suez và Eo biển Malacca.

Ngoại trừ Nga, các quốc gia Bắc Cực đều là các nước phương Tây và ngày càng thận trọng với đầu tư của Trung Quốc. Những lo ngại về an ninh đã khiến Đan Mạch ngăn cản kế hoạch của Trung Quốc xây dựng ba sân bay ở Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Canada cũng đã chặn một công ty Trung Quốc mua mỏ vàng ở khu vực Bắc Cực vào năm 2020.

Mặc dù vậy, Nga không phải lúc nào cũng chào đón Trung Quốc đến khu vực. Có thời điểm, Moscow phản đối việc Bắc Kinh nộp đơn xin trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực, cơ quan của 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga. Trước đó, Moscow cũng đã chặn các tàu Trung Quốc tiến hành nghiên cứu về Bắc Cực.

Vào năm 2020, ngay cả khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow đang ở mức nồng ấm nhất trong nhiều thập niên, chính quyền Nga đã bắt giữ một chuyên gia về Bắc Cực vì nghi ngờ cung cấp thông tin tình báo cho Trung Quốc.

Sự thay đổi của Nga

Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã thay đổi cách tiếp cận của Moscow. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã buộc Nga phải dựa nhiều hơn vào Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ chiến dịch quân sự và duy trì các mục tiêu phát triển Bắc Cực.

Tổng thống Nga Putin đã báo hiệu sự thay đổi trong chuyến thăm tới Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3 năm nay, mô tả sự hợp tác “đầy hứa hẹn” với các đối tác Trung Quốc để phát triển tiềm năng quá cảnh của Tuyến đường biển phía Bắc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này “luôn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng, hợp tác, cùng có lợi và bền vững khi tham gia vào các vấn đề Bắc Cực”.

Khi các công ty phương Tây đang cố gắng rút khỏi các dự án ở Nga, Moscow đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các công ty Trung Quốc để phát triển cảng, mỏ và cơ sở hạ tầng khác ở vùng Bắc Cực thuộc Nga. Nga đã thay đổi chính sách Bắc Cực từ tháng 2 năm nay.

Trước đây, chính sách của Nga, tập trung vào việc “tăng cường quan hệ láng giềng tốt với các quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực”, giờ đây, nhấn mạnh việc tiếp cận tất cả các quốc gia nước ngoài - một động thái mở rộng hơn nữa cánh cửa cho Trung Quốc.

Năm ngoái, tập đoàn TotalEnergies của Pháp cho biết, bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động tại Nga. Các doanh nghiệp lớn như BP và Exxon Mobil cũng đã rút khỏi các dự án với Rosneft Oil, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga với các dự án tham vọng ở Bắc Cực.

Ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành của Rosneft, hồi tháng 11/2022 đã kêu gọi các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án ở Bắc Cực như Tuyến đường biển phía Bắc và Vostok Oil - một mỏ dầu rộng lớn ở vùng cực Bắc của Nga.

Các nhà phân tích cho biết, các lệnh trừng phạt đã khiến các công ty Trung Quốc thận trọng trong việc mở rộng kinh doanh ở Nga, ngay cả khi thương mại giữa hai nước tăng vọt. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản họ khám phá các mối quan hệ đối tác tiềm năng ở Bắc Cực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung, ngày 21/3, tại Moscow. (Nguồn: AFP/Sputnik)

Trung Quốc dần nhập cuộc chơi

Ông Anatoly Tkachuk, một cựu sĩ quan KGB chuyển sang làm doanh nhân, cho biết, hồi tháng Giêng ông đã gặp đại diện của hai tập đoàn cơ sở hạ tầng khổng lồ Trung Quốc là China Communications Construction và China Railway Construction để thảo luận về kế hoạch khai thác titan và các nguyên liệu thô khác từ một mỏ lớn ở vùng biển này.

Hồi tháng 8 vừa qua, chính quyền khu vực Nenets, chủ yếu nằm phía trên Vòng Bắc Cực dọc theo Biển Barents, cho biết, Tập đoàn Kỹ thuật năng lượng Trung Quốc đã đồng ý mở một chi nhánh tại đây khi họ thăm dò phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên.

Nếu những dự án này được tiến hành, các công ty Trung Quốc sẽ gia nhập Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). CNPC đã hợp tác với nhà sản xuất khí đốt tự nhiên như PAO Novatek của Nga, TotalEnergies và Quỹ Con đường tơ lụa của Trung Quốc để phát triển dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal. Dự án này bắt đầu hoạt động vào năm 2017 và là đối tác phát triển dự án LNG Bắc Cực 2 cùng với TotalEnergies, Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và một tập đoàn Nhật Bản.

Trong khi nhiều dự án của Trung Quốc ở Bắc Cực vào thời điểm này vẫn mang tính đầu cơ, một lĩnh vực đang chứng kiến hoạt động gia tăng là vận chuyển năng lượng.

Ngay trước khi Mỹ và các đồng minh áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga vào tháng 12 năm ngoái, Vasily Dinkov (tàu chở dầu dài 843 feet của Nga được chế tạo cách đây 15 năm để vận chuyển dầu thô về phía Tây từ Bắc Cực của Nga) đã đến một điểm trung chuyển gần Murmansk, đi về phía Đông qua Bắc Cực để tới một cảng dầu của Trung Quốc trên bán đảo Sơn Đông.

Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, trong tháng 8 và tháng 9 này, 10 tàu chở dầu khác đã vận chuyển dầu thô của Nga đến Trung Quốc thông qua Tuyến đường biển phía Bắc, với ít nhất một tàu nữa dự kiến sẽ sớm đến nơi. Tuy số lượng tàu vẫn còn ít so với tuyến đường phía Nam qua Suez, nhưng sự gia tăng này đã khiến đội tàu chở dầu đặc biệt với thân tàu được gia cố nhằm đáp ứng các điều kiện ở Bắc Cực bận rộn hơn.

Bà Amanda Lynch, giáo sư về khoa học Trái đất, môi trường và hành tinh tại Đại học Brown, cho biết: “Nga đang làm mọi thứ có thể để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc”.

Mặc dù tuyến đường vùng cực có một số lợi thế về môi trường, như khoảng cách ngắn hơn đồng nghĩa với việc phát thải ít carbon hơn. Tuy nhiên, các con tàu cũng đi qua các khu vực nhạy cảm với ít nguồn lực để xử lý các trường hợp khẩn cấp.

Bà Lynch nói: "Hãy nghĩ đến Titanic. Chỉ vì băng đang tan dần không có nghĩa là không có băng. Với biến đổi khí hậu, băng tan vỡ, rất lộn xộn. Có những tảng băng trôi nguy hiểm. Nếu bạn đi sai hướng", nhất là khi tối trời và gặp những cơn bão lớn.

Nhìn chung, với việc có nhiều nguồn tài nguyên chưa khai phá và được coi là một "con đường tơ lụa" mới, cuộc đua khẳng định vị trí tại Bắc Cực đang trở nên quyết liệt. Nga đã và đang đề xuất Trung Quốc tham gia vào hoạt động vận chuyển trên Tuyến đường biển phía Bắc vì đây là một phương án có giá thành thấp, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Bắc Kinh cũng đã bắt đầu có những động thái nhằm thể hiện mong muốn ở khu vực chiến lược này.

(theo New York Times)