Xe tải chở nhiên liệu của UMRWA chuẩn bị đi qua cửa khẩu biên giới Rafah của Ai Cập tiến vào Dải Gaza. (Nguồn: AP) |
AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 30/1 chỉ trích hành động trên, gọi đây là một hình thức "trừng phạt tập thể".
Ông Lavrov khẳng định đây là "hành vi bị luật nhân đạo quốc tế cấm", nhấn mạnh cần phải điều tra những cáo buộc của Israel đối với một số nhân viên UNRWA có liên quan vụ tấn công hôm 7/10 của Hamas nhằm vào nước này.
Một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Đức và Anh, đã tạm dừng tài trợ cho UNRWA, nguồn hỗ trợ quan trọng cho người dân ở Gaza, sau những cáo buộc của Israel.
UNRWA cho biết đã mở một cuộc điều tra đối với một số nhân viên bị cáo buộc và cắt đứt các quan hệ với họ, lưu ý rằng, cơ quan này chỉ còn đủ nguồn lực để cung cấp các dịch vụ cho người dân ở khu vực tới cuối tháng 2.
Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn TT của Thụy Điển cho biết, nước này sẽ tạm dừng viện trợ cho UNRWA và số tiền hỗ trợ cho Dải Gaza "sẽ được gửi tới các tổ chức nhân đạo khác”.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp New Zealand Winston Peters, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry kêu gọi New Zealand tiếp tục tài trợ cho UNRWA.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của UNRWA trong việc cứu trợ người tị nạn Palestine, ông Shoukry nhận định, các nhà tài trợ quốc tế phải tiếp tục duy trì hoạt động cứu trợ cần thiết cho cơ quan này và kiềm chế đưa ra quyết định đình chỉ tài trợ, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Dải Gaza.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước tài trợ để “bảo đảm duy trì hoạt động liên tục” của UNRWA.