Tin thế giới 24/2: Nga tấn công Ukraine. (Nguồn: Shutterstock) |
Xung đột Nga-Ukraine
Nga nêu mục tiêu của Chiến dịch quân sự đặc biệt
Ngày 24/2, trả lời phỏng vấn các phóng viên tại Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga vừa phát động là nhằm “vô hiệu hóa tiềm lực quân sự của Kiev”.
Cho rằng, thời gian của chiến dịch quân sự này sẽ phụ thuộc vào việc đạt được các mục tiêu, ông Peskov nhấn mạnh "không ai nói về việc chiếm đóng Ukraine" và việc sử dụng từ này là “không thể chấp nhận được”.
Trước các tuyên bố của giới lãnh đạo phương Tây về việc "cô lập Nga sau bức màn sắt”, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định “không thể đóng cửa nước Nga sau bức màn sắt” và rằng, Moscow cần một nước láng giềng Ukraine là quốc gia trung lập và không phải là nơi triển khai vũ khí tấn công nhằm vào Nga.
Nhận định về sự giảm giá trị của đồng Ruble và trên thị trường chứng khoán Moscow, ông Peskov nói: “Phản ứng cảm xúc của thị trường và trong lĩnh vực tài chính là dự đoán được”, đồng thời khẳng định Moscow đã triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo giai đoạn này kết thúc sớm.
Người phát ngôn cũng cho biết, Nga đã tạo ra đủ công cụ an toàn để tồn tại trước sự biến động của thị trường. (Sputnik)
Ukraine cắt quan hệ với Nga, hứng chịu đợt không kích thứ hai
Ngày 24/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga.
Trong một cuộc họp báo, ông Zelensky khẳng đinh: “Buổi sáng hôm nay đã đi vào lịch sử, nhưng lịch sử này hoàn toàn khác đối với đất nước chúng tôi và Nga. Và chúng tôi đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga”.
Viết trên Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh, Nga đang thực hiện một cuộc tấn công tổng lực từ nhiều hướng, còn các lực lượng Ukraine đang chống lại cuộc tấn công này: “Không, đây không chỉ là cuộc xâm lược của Nga ở miền Đông Ukraine, mà là tấn công tổng lực từ nhiều hướng”.
Trong một diễn biến khác, Cố vấn của nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, nước này đang hứng chịu đợt tấn công bằng tên lửa thứ hai.
Các nhà chức trách ở Kiev cho biết đợt không kích đầu tiên, được thực hiện ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh thực hiện chiến dịch quân sự vào 24/2, đã đánh vào các trung tâm chỉ huy quân sự và các tòa nhà khác ở một số thành phố của Ukraine.
Quan chức này cũng cho biết, có hơn 40 binh sĩ nước này đã hy sinh và hàng chục binh sĩ khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa quân đội Nga và Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng vũ trang của nước này đang hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn ở Đông Ukraine trong khi họ tiến hành một cuộc tấn công.
Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn cơ quan an ninh Nga cho biết, 2 tàu chở hàng dân sự của nước này bị trúng tên lửa của Ukraine ở biển Azov, gây thương vong. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Những điều cần biết về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine |
NATO kích hoạt cơ chế bảo vệ Đông Âu
Theo hãng tin DPA (Đức) ngày 24/2, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kích hoạt kế hoạch bảo vệ đối với khu vực Đông Âu do các vụ tấn công của Nga vào Ukraine. Với cơ chế này, Tư lệnh lực lượng NATO sẽ nhận được quyền hạn sâu rộng, chẳng hạn như lệnh triệu tập hoặc chuyển quân.
Trong một tuyên bố ra ngày 24/2 của 30 nước thành viên, NATO cũng cho biết sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng Ukraine vào ngày 25/2 và đặt trong tình huống khủng hoảng.
Tuyên bố nêu rõ: “Hôm nay (24/2), chúng tôi đã tiến hành tham vấn theo Điều 4 Hiệp ước Washington... Chúng tôi đã quyết định, phù hợp với kế hoạch phòng thủ để bảo vệ tất cả các đồng minh, sẽ có các bước đi bổ sung nhằm tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ trong toàn bộ liên minh”.
Theo tuyên bố, tất cả các biện pháp sẽ vẫn mang tính “phòng ngừa, tương xứng và không leo thang”. (DPA)
Thủ tướng Anh: Cuộc tấn công của Nga là thảm họa với châu Âu
Ngày 24/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là một thảm họa với châu Âu, đồng thời kêu gọi một cuộc họp khẩn của các lãnh đạo NATO và đưa ra những kế hoạch để phát biểu trước công chúng cũng như trao đổi với các lãnh đạo của Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Trên Twitter, ông Johnson nêu rõ: “Đây là một thảm họa với lục địa của chúng ta. Tôi sẽ có một bài phát biểu với đất nước trong sáng nay về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Tôi cũng sẽ trao đổi với những lãnh đạo G7 và tôi sẽ kêu gọi một cuộc họp khẩn với sự tham gia của tất cả lãnh đạo NATO càng sớm càng tốt”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết bà đã triệu Đại sứ Nga để nghe giải thích về các hành động của Moscow ở Ukraine sau khi các lực lượng Nga xâm lược nước này bằng đường bộ, đường không và đường biển.
Trên Twitter, bà Truss nêu rõ: “Tôi đã triệu Đại sứ Nga để gặp gỡ và nghe giải thích về hành vi xâm lược vô cớ, bất hợp pháp của Nga với Ukraine. Chúng tôi sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt hà khắc và kêu gọi các nước ủng hộ Ukraine”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: Tại sao 'đòn kinh tế' không ngăn được quyết đoán của Tổng thống Putin? |
Đức: Nga đã phá vỡ trật tự cơ bản của trật tự quốc tế
Trưa ngày 24/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phạm sai lầm nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi Moscow lập tức ngừng tấn công và rút quân khỏi Ukraine.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Scholz nêu rõ: “Ngày 24/2 là ngày khủng khiếp và với hành động tấn công Ukraine, (Tổng thống) Putin một lần nữa vi phạm luật pháp quốc tế, gây đau khổ và sự hủy diệt đối với quốc gia láng giềng trực tiếp của họ”.
Theo Thủ tướng Scholz, hành động của Nga cũng đặt dấu hỏi về trật tự hòa bình trên lục địa châu Âu.
Ông cho biết sẽ tiếp tục có những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga với mục tiêu rõ ràng là Moscow phải “trả giá đắt” cho hành động của họ. Đức khẳng định sẽ luôn đứng về phía các nước Đông Âu.
Thủ tướng Đức cũng xác nhận Quốc hội nước này sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào ngày 27/2 tới để thảo luận về tình hình Ukraine, trong đó, ông sẽ đưa ra tuyên bố của chính phủ về vấn đề này.
Sáng ngày 24/2, sau cuộc họp của nhóm xử lý khủng hoảng chính phủ Đức, Ngoại trưởng nước này Annalena Baerbock nói, G7 và Liên minh châu Âu (EU) sẽ có biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với Nga vì hành động ở Ukraine.
Tuyên bố nhấn mạnh, với cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, chính phủ Nga đang phá vỡ những quy tắc cơ bản nhất của trật tự quốc tế trước mắt thế giới.
Theo đó: “Trong nhiều tháng qua, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc ‘khủng hoảng Nga’ này thông qua các con đường ngoại giao. Nga đã không đáp lại lời đề nghị đàm phán của chúng tôi”.
Theo tuyên bố, Đức và các đồng minh choáng váng, song không bất lực với hành động của Nga. Berlin sẽ cùng đồng minh, đối tác phối hợp với những người bạn ở Ukraine, đồng thời cũng sẽ củng cố an ninh và đối tác liên minh của mình.
Trong ngày 24/2, Đức sẽ phối hợp trong EU, NATO và G7 nhằm tung ra gói biện pháp trừng phạt toàn diện và mạnh mẽ nhất với Nga. Berlin và các đối tác kêu gọi kêu gọi tất cả các quốc gia đặt niềm tin vào Hiến chương Liên hợp quốc, cùng nhau chống lại hành động của Nga.
Chính phủ Đức cho biết sẽ hỗ trợ cho các nước ở Đông Âu, nhất là Ba Lan, đối mặt với dòng người tị nạn do cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faester tuyên bố: “Chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ lớn cho các nước bị ảnh hưởng, nhất là nước láng giềng Ba Lan của chúng tôi, trong tình huống xảy ra những hoạt động tị nạn ồ ạt".
Theo bà, giới chức an ninh Đức cũng tăng cường biện pháp bảo vệ chống các cuộc tấn công mạng tiềm tàng. (DW)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine leo thang căng thẳng, chứng khoán thế giới đỏ sàn |
Thoả thuận hạt nhân Iran
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran: Phương Tây cần sớm có quyết định cụ thể
Các nước phương Tây tham gia đàm phán hạt nhân với Iran tại Vienna (Áo) cần phải đưa ra quyết định cụ thể để đạt thỏa thuận. Đây là nhận định mới được ông Ali Bagheri Kani, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran đưa ra ngày 24/2.
Cụ thể, chia sẻ trên Twitter, ông Ali Bagheri Kani cho biết, dù các bên đã tiến đến giai đoạn đàm phán cuối cùng nhưng chưa có gì đảm bảo sẽ đạt được đích đến là ký kết một thỏa thuận. Theo ông, điều này cần thêm sự cẩn trọng, kiên trì, sáng tạo và cách tiếp cận cân bằng để đi đến bước cuối cùng.
Tuần trước, truyền thông đưa tin, các bên đàm phán ở Vienna đã phác thảo một thỏa thuận mở đường để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015.
Các quan chức ngoại giao cho biết, một số vấn đề còn mơ hồ trong bản thỏa thuận như mở lại các khoản vốn của Iran trị giá hàng tỷ USD trong các ngân hàng ở Hàn Quốc và việc trả tự do cho các tù nhân phương Tây đang bị giam giữ tại Iran.
Ngày 23/2, Iran kêu gọi các nước phương Tây cần thực tế hơn trong các cuộc đàm phán, đồng thời thông báo, Trưởng đoàn đàm phán Ali Bagheri Kani sẽ trở về Tehran để tham vấn nội bộ. Điều này được hiểu rằng các cuộc đàm phán sẽ khó có thể có đột phá trước mắt.
| Căng thẳng Nga-Ukraine: NATO kiên quyết, Mỹ-Ukraine điện đàm, LHQ, Trung Quốc và Ấn Độ ra lời kêu gọi Căng thẳng Nga-Ukraine trở nên nóng chưa từng có sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ... |
| Thoả thuận hạt nhân Iran: Ai cần ai? Trong bối cảnh các bên đã đến rất gần với việc nối lại thoả thuận hạt nhân Iran, liệu Mỹ, Iran và các bên liên ... |