📞

Nga-phương Tây: ‘Con bài’ chính của Moscow đang suy yếu, nền kinh tế vào ‘con đường lãng quên’?

Linh Chi 19:37 | 21/09/2022
Trong dài hạn, kinh tế cho Nga có thể gặp nhiều rắc rối khi ‘con bài’ thương lượng chính đang suy yếu và các lệnh trừng phạt từ phương Tây tiếp tục ảnh hưởng đến quốc gia này.
Nga-phương Tây: Nga không còn đòn bẩy trong cuộc chiến năng lượng chống lại châu Âu. (Nguồn: iStock)

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Berenberg nhận định: “Các chi phí gia tăng của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và tác động ‘chậm nhưng chắc’ của các lệnh trừng phạt từ phương Tây có thể sẽ làm suy giảm nền kinh tế và khiến Nga rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc. Bên cạnh đó, ‘con bài’ thương lượng chính của nước này với phương Tây - năng lượng - đang suy yếu dần”.

Nhà kinh tế này cũng cho rằng, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) để bảo trì vào ngày 31/8, Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt.

Thậm chí tại Đức - quốc gia đặc biệt phục thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga có thể đạt gần mục tiêu lưu trữ 95% khí đốt trước mùa Đông.

“Con bài” thương lượng chính đang suy yếu

Theo Economist Intelligence Unit (EIU), ngành năng lượng chiếm khoảng 1/3 GDP của Nga và một nửa tổng doanh thu ngân sách nhà nước.

Trong tháng 8, doanh thu năng lượng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Đó là thời điểm trước khi Moscow cắt vô thời hạn dòng chảy khí đốt đến châu Âu.

Hiện tại, Điện Kremlin đang bán dầu cho châu Á với mức chiết khấu đáng kể.

Xuất khẩu năng lượng sụt giảm đồng nghĩa với việc thặng dư ngân sách của nước này đang dần cạn kiệt.

Giám đốc Dự báo toàn cầu của EIU Agathe Demarais nhận định: “Nga không còn đòn bẩy trong cuộc chiến năng lượng chống lại châu Âu. Trong 2 hoặc 3 năm tới, EU sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Moscow”.

Bà Agathe Demarais cũng cho rằng, đây là lý do chính khiến Moscow lựa chọn cắt đứt các dòng khí đốt đến châu Âu. Dường như, Điện Kremlin nhận thức được rằng, “con bài” năng lượng có thể giảm trọng lượng hơn rất nhiều trong một vài năm tới.

Kinh tế vào “con đường lãng quên”

EIU dự báo, mức thu hẹp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm nay là 6,2% và 4,1% vào năm sau.

Bà Demarais nhận thấy: “Đây là mức suy giảm rất lớn. Nga không trải qua suy thoái khi lần đầu tiên bị áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây vào năm 2014. Iran, quốc gia bị cắt đứt hoàn toàn khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) vào năm 2012 cũng chỉ trải qua sự suy giảm khoảng 4% GDP”.

Tổng thống Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng, nền kinh tế Nga đang phải đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, tháng 8, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrei Belousov cho biết, lạm phát tại quốc gia này sẽ vào khoảng 12-13% vào năm 2022.

Theo cơ quan thống kê nhà nước Rosstat, GDP của Nga đã giảm 4% trong quý II/2022.

Đầu tháng này, Moscow dự báo, nền kinh tế nước này chỉ giảm 2,9% vào năm 2022 và giảm 0,9% vào năm 2023, trước khi quay trở lại mứ tăng 2,6% vào năm 2024.

Tuy nhiên, bà Demarais lập luận rằng, sự rút lui của 1.000 công ty phương Tây cũng có khả năng ảnh hưởng đến thị trường việc làm.

Giám đốc Dự báo toàn cầu của EIU nói: “Tác động thực sự của các lệnh trừng phạt đối với Nga chủ yếu sẽ được cảm nhận trong dài hạn. Đặc biệt, các lệnh trừng phạt sẽ khiến Nga gặp khó trong việc khám phá và phát triển lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là ở khu vực Bắc Cực. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt từ Mỹ sẽ hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của Nga”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho hay: “Chúng tôi đã cắt 3/4 lĩnh vực ngân hàng của Nga khỏi các thị trường quốc tế. Gần 1.000 công ty đã rời khỏi đất nước này. Bên cạnh đó, sản lượng ô tô giảm 3/4 so với năm ngoái. Ngành công nghiệp của Nga đang trở nên tồi tệ”.

Bà Ursula von der Leyen nói thêm rằng, Điện Kremlin đã đưa nền kinh tế Nga vào “con đường lãng quên” và các lệnh trừng phạt sẽ “ở đây để duy trì”.

(theo CNBC)