Ngân sách Nga năm 2024 cho thấy, Moscow tiếp tục lên kế hoạch cho một cuộc xung đột lâu dài với Ukraine, cũng như đối đầu với phương Tây. (Nguồn: bitcoin.com) |
Ngân sách năm 2024 của Nga cho thấy họ vẫn "đặt cược" lớn vào việc tăng chi tiêu quân sự và tiếp tục lên kế hoạch cho một cuộc xung đột lâu dài với Ukraine, cũng như đối đầu với phương Tây, các nhà phân tích của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế nhận định.
Theo đó, Tổng thu ngân sách dự báo sẽ tăng hơn 1/3 lên 35.000 tỷ Ruble (khoảng 349 tỷ USD, chiếm 19,4% GDP). Trong đó, 11.500 tỷ Ruble dự kiến sẽ là doanh thu từ dầu khí. Dự kiến tổng chi theo kế hoạch sẽ là 36.600 tỷ Ruble (tăng 7.600 tỷ Ruble, tương đương tăng 26,2% so với năm nay).
Điều này có nghĩa là thâm hụt ngân sách năm 2024, sẽ giảm đáng kể – từ mức 2% GDP dự kiến cho năm 2023 (2.900 tỷ Ruble) xuống còn 0,8% GDP (1.600 tỷ Ruble), theo kế hoạch của chính phủ Nga.
Chi tiêu quốc phòng năm 2024 sẽ tăng 1,7 lần, tương đương chi tiêu quân sự của Mỹ trong những năm 1980. Điện Kremlin đã bắt đầu tăng đáng kể chi tiêu quân sự thông qua việc áp dụng chương trình tái vũ trang kéo dài 9 năm trị giá 20.000 tỷ Ruble kể từ năm 2011.
Nếu tính bằng đồng Ruble, thì chi tiêu của Nga cho quân đội tham chiến và lực lượng an ninh trong giai đoạn 2022-2023 đã vượt quá mọi mức chi tiêu trong giai đoạn 2011-2021. Chi tiêu quân sự của Nga năm 2024 sẽ tương đương với chi tiêu quân sự trong 3-4 năm bất kỳ trong giai đoạn 2015-2021.
Ngoài chi tiêu quân sự, chi tiêu xã hội cũng sẽ tăng khoảng 1.000 tỷ Ruble, lên tới 7.500 tỷ Ruble. Khoản chi tiêu này có thể bao gồm cả chi tiêu cho lương hưu và phúc lợi, chi tiêu cho những “người Nga mới” ở các vùng lãnh thổ mới sáp nhập và chi tiêu trước bầu cử.
Chi tiêu cho an ninh quốc gia Nga sẽ tăng từ 3.200 tỷ Ruble trong năm nay lên 3.500 tỷ Ruble.
Ngược lại, chi tiêu cho kinh tế quốc dân sẽ giảm từ 4.100 tỷ Ruble xuống còn 3.900 tỷ Ruble.
Chi tiêu cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì ở mức hiện tại, nghĩa là có thể sẽ giảm vào năm 2024 khi tính đến yếu tố lạm phát.
Theo dự tính của Bộ Kinh tế Nga, với chi tiêu chính phủ như vậy, giá cả năm 2024 sẽ chỉ tăng 4,5%. Tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 2,3% và không thấp hơn 2% trong giai đoạn 2025-2026.
Giá dầu Urals được tính ở mức 71,3 USD/thùng, trái ngược với giá trần hiện nay là 60 USD/thùng. Và theo dự báo, tỷ giá hối đoái trung bình của đồng USD năm 2024 sẽ là 90,1 Ruble.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga hiện đại, chi tiêu ngân sách quân sự bao gồm quân đội và quốc phòng sẽ chiếm 6% GDP, vượt quá chi tiêu xã hội.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuộc xung đột với Ukraine và rộng hơn là đối đầu với toàn bộ phương Tây cuối cùng không chỉ là ưu tiên lớn nhất của Điện Kremlin, mà phải trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá theo số liệu được công bố, Điện Kremlin cho rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, cũng như những hạn chế đối với các loại hình xuất khẩu khác, không có tác dụng. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn sẽ có doanh thu từ ngành năng lượng để lấp đầy ngân sách.
Dự chi cho quân sự trong ngân sách ở mức kỷ lục cho thấy, Nga vẫn dự phòng rất lớn cho cuộc xung đột lâu dài với Ukraine - tiếp diễn vào năm 2024. Và nếu nó chuyển từ giai đoạn nóng sang bớt căng thẳng hơn, hoặc thậm chí đóng băng, thì số tiền này vẫn sẽ được dùng để bổ sung cho kho vũ khí quân sự đã vơi đi ít nhiều của Nga. Tương tự như vậy, số liệu dự tính cho ngân sách 2024 có đủ tiền để tài trợ cho một đợt huy động một phần hoặc thậm chí huy động toàn lực khi đất nước bất ngờ được đặt trong tình trạng thiết quân luật, nếu Điện Kremlin nhận thấy việc đó là cần thiết.
Như vậy, sự gia tăng mạnh về chi tiêu chủ yếu sẽ do đồng Ruble mất giá. Khi đó, lạm phát sẽ được kiềm chế nhờ duy trì thâm hụt ngân sách ở mức vừa phải, dự kiến sẽ được bù đắp bằng các khoản vay nội bộ. Tổng doanh thu khoảng 1.500 tỷ Ruble nhận được từ dầu khí sẽ được chuyển vào quỹ dự trữ.
Phân tích của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế nhận định, với sức ép từ các vòng trừng phạt kỷ lục từ Mỹ và các đồng minh châu Âu như hiện nay, mức thu nhập dự báo có vẻ quá cao và chưa thực tế. Nếu giá dầu sụt giảm đột ngột, chẳng hạn do các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc hay nếu phương Tây tăng sức ép trừng phạt hoặc biết cách đối phó tốt hơn với hành vi né tránh các lệnh trừng phạt, thì nguồn thu ngân sách đã công bố sẽ khó bảo toàn.
Nhưng trong mọi trường hợp, chi tiêu quân sự và xã hội sẽ được bù đắp nhờ các nguồn thu ngoài dầu khí. Vì vậy, có vẻ như Moscow có ý định tận thu từ nền kinh tế vào năm 2024.
Việc chính phủ gần đây áp dụng mức thuế mới đối với các nhà xuất khẩu (10% đối với các nhà sản xuất phân bón và từ 4-7% đối với tất cả các ngành công nghiệp khác tùy thuộc vào tỷ giá hối đoái của đồng Ruble), nhằm bổ sung nguồn thu cho ngân sách và hỗ trợ tỷ giá hối đoái của đồng Ruble, có thể trở thành biện pháp lâu dài chứ không chỉ là tạm thời.
Việc tăng thuế cũng có thể xảy ra, tuy nhiên, đôi khi đó cũng là “cái giá” mà Nga phải đánh đổi cho các mục tiêu khác ngoài kinh tế, theo một cách nào đó.