Theo hãng tin TASS, phát biểu họp báo có sự tham gia của các tùy viên quân sự nước ngoài, ông Gerasimov cho biết trong bối cảnh Mỹ đang củng cố lá chắn tên lửa toàn cầu của nước này, Nga đang tăng cường tiềm lực tác chiến của các lực lượng hạt nhân chiến lược trên bộ.
Nga dự định thành lập hai trung đoàn trang bị tổ hợp tên lửa Avangard vào năm 2027. (Nguồn: News Front) |
Cụ thể, Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga đang được vũ trang lại với hệ thống tên lửa Yars, trong khi tổ hợp tên lửa Avangard được trang bị thiết bị siêu thanh đang được sản xuất hàng loạt. Nga cũng đang phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hạng nặng Sarmat để thay thế ICBM Voyevoda vốn là ICBM có sức công phá mạnh nhất của Nga. Sarmat đã được thử nghiệm thành công trong năm 2018.
Ngoài ra, ông Gerasimov cho biết các tàu ngầm chiến lược của Nga đang thực hiện nhiệm vụ tác chiến thường xuyên, tiến hành hoạt động tuần tra bao gồm cả vùng nước dưới lớp băng ở Bắc Cực. Bên cạnh đó, tiềm năng lực lượng hạt nhân chiến lược trên không của Nga cũng đang được duy trì thông qua việc hiện đại hóa các máy bay ném bom được trang bị tên lửa như Tu-160 và Tu-95MS. Thêm vào đó, Tướng Gerasimov khẳng định Nga cũng đang củng cố hệ thống cảnh báo sớm tên lửa trên không và trên bộ, cùng với hoàn tất việc thiết lập trạm radar dọc biên giới nước này.
Tuyên bố trên của ông Gerasimov được đưa ra trong bối cảnh Moskva và Washington đang căng thẳng xoay quanh việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Trước đó, ngày 4/12, Mỹ đã ra "tối hậu thư" kéo dài 60 ngày để Nga "trở lại" tuân thủ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng INF, nếu sau thời hạn này không có gì thay đổi, Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình kéo dài 6 tháng nhằm rút khỏi hiệp ước trên.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/12 cho biết, Nga sẽ buộc phải trả đũa nếu Mỹ rút khỏi INF. Ông Putin nhấn mạnh Moskva phản đối việc phá bỏ thỏa thuận, nhưng Mỹ từ lâu đã muốn rút khỏi thỏa thuận và đổ lỗi cho Nga vi phạm văn kiện này để viện cớ rút lui.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.