📞

Nga thử thành công tên lửa siêu thanh Tsirkon: Mở đầu cuộc chạy đua vũ trang mới?

15:01 | 24/07/2021
Sự kiện Nga phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh mới Tsirkon (Zircon) hôm 19/7 được các chuyên gia cho là mở đầu cho cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh ngày càng gia tăng.
Bộ Quốc phòng Nga công bố ảnh tên lửa siêu thanh Tsirkon được phóng từ tàu Đô đốc Gorshkov ở Biển Trắng vào ngày 19/7. (Nguồn: The Moscow Times)

Tạp chí Diplomat ngày 22/7 đăng bài viết của Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh chiến lược và công nghệ Rajeswari Pillai Rajagopalan của Quỹ nhà quan sát (ORF), cho rằng sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống vũ khí siêu thanh và sát thương khác.

Thế hệ tên lửa vô song

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần cho biết Tsirkon là “một phần của thế hệ hệ thống tên lửa ‘vô song’ mới trên thế giới”.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa này được phóng đi từ tàu khu trục Đô đốc Gorshkov ở Biển Trắng và đánh trúng một mục tiêu mặt đất nằm trên bờ biển Barents, cách đó hơn 350 km, với tốc độ bay gấp 7 lần tốc độ âm thanh.

Bộ trên cũng cho biết "các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của tên lửa Tsirkon đã được xác nhận trong các cuộc thử nghiệm".

Nga có kế hoạch trang bị tên lửa này cho các tàu ngầm và tàu nổi trong những năm tới.

Theo các chuyên gia, “sự kết hợp giữa tốc độ, khả năng cơ động và độ cao của tên lửa siêu thanh khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn”.

Với tốc độ di chuyển của chúng, "áp suất không khí ở phía trước vũ khí này tạo thành một đám mây plasma khi nó di chuyển, hấp thụ sóng vô tuyến và khiến nó tàng hình trước các hệ thống radar hiện đại nhất".

Ngoài ra, thời gian phản ứng của ngay cả hệ thống lớp Aegis tiên tiến của Mỹ cũng quá chậm để có thể đánh chặn những tên lửa như vậy. Các chuyên gia ước tính rằng “chỉ cần chưa đầy 6 tên lửa như vậy để đánh chìm ngay cả tàu sân bay tiên tiến nhất của Mỹ, chẳng hạn như USS Gerald R. Ford”.

Lịch sử cuộc đua

Năm 2018, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga đang phát triển một loạt vũ khí siêu thanh, trong đó gồm cả phương tiện lượn siêu thanh Avangard “có thể tấn công hầu hết mọi địa điểm trên thế giới và né tránh lá chắn tên lửa do Mỹ chế tạo”.

Năm 2019, Putin đe dọa sử dụng tên lửa siêu thanh để nhắm trực tiếp vào Mỹ nếu Washington triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Mặc dù Mỹ vẫn chưa bố trí các tên lửa như vậy ở châu Âu, nhưng Nga vẫn tiếp tục lo lắng về khả năng triển khai chúng trong tương lai.

Một số tên lửa siêu thanh của Nga được tuyên bố sẽ triển khai cùng các lực lượng vũ trang của nước này. Theo các phương tiện truyền thông Nga, chính phủ nước này đã “triển khai hai máy bay phản lực đánh chặn có khả năng mang tên lửa siêu thanh Kinzhal được quảng cáo rầm rộ cho các cuộc chiến ở Syria”.

Bộ Quốc phòng Nga được trích dẫn nói rằng “một cặp máy bay MiG-31K với khả năng sử dụng tên lửa siêu thanh mới nhất từ tổ hợp Kinzhal đã bay từ sân bay Nga đến căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria để tập trận”.

Tăng tốc cuộc đua công nghệ mới

Nga hiện không đơn độc trong những nỗ lực này. Trung Quốc đã và đang có những nỗ lực nhất quán trong việc phát triển vũ khí siêu thanh.

Năm 2019, tại cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lần đầu tiên Trung Quốc đã “trình làng” tên lửa DF-17.

Giống như Nga, việc Trung Quốc theo đuổi tên lửa siêu thanh dường như đã bị thúc đẩy bởi sự phát triển phòng thủ tên lửa của Mỹ, theo đó có khả năng vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo truyền thống mà Nga và Trung Quốc sở hữu.

Phản ứng trước vụ thử mới nhất của Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong một tuyên bố nói rằng, điều này “gây ra nguy cơ leo thang và tính toán sai lầm lớn hơn”.

NATO khẳng định "các tên lửa siêu thanh mới của Nga gây mất ổn định trầm trọng và gây ra những rủi ro đáng kể đối với an ninh và ổn định trên toàn khu vực châu Âu-Đại Tây Dương".

Tuyên bố cũng nói rằng các đồng minh NATO vẫn “cam kết phản ứng một cách thận trọng với loạt tên lửa truyền thống và mang đầu đạn hạt nhân ngày càng tăng của Nga”, nhưng nói rõ rằng họ sẽ không thực hiện các nỗ lực để “phản ánh những gì Nga làm, mà sẽ duy trì năng lực răn đe đáng tin cậy đảm bảo an ninh quốc phòng, để bảo vệ các quốc gia của chúng tôi".

Sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống vũ khí siêu thanh và hệ thống vũ khí sát thương khác.

Việc Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang theo đuổi những công nghệ mới và hiện đại sẽ mở đường cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.