Nga tìm 'đường máu' vượt 9 vòng trừng phạt, tưởng không tiến bộ mà đột phá không tưởng. (Nguồn: bitcoin.com) |
Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đã kích thích sự phát triển của thẻ nhựa, hệ thống thanh toán nhanh, thanh toán không tiếp xúc và các công nghệ hiện đại khác trong nền kinh tế Nga. Việc áp dụng thí điểm đồng Ruble kỹ thuật số được Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) hứa hẹn sẽ bổ sung vào danh sách các công cụ thanh toán trong thời gian tới.
Không giống như các loại tiền ảo như Bitcoin, đồng Ruble kỹ thuật số được dự đoán là có rủi ro tối thiểu. Về cơ bản, nó sẽ được phát hành bởi cơ quan quản lý tiền tệ nhà nước và được bảo đảm bởi tiền truyền thống.
Mô hình đầu tiên trong số hai mô hình mà BoR đang khai phá để "xuất khẩu" đồng Ruble kỹ thuật số cho thấy, các nền kinh tế tham gia vào các thỏa thuận song phương để cùng tích hợp vào hệ thống CBDC (Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương) tương ứng.
Mô hình thứ hai sẽ tạo ra một nền tảng siêu quốc gia duy nhất với một giao thức và tiêu chuẩn chung.
Dẫn đầu thế giới về các phương tiện thực hiện thanh toán
Báo Độc Lập (ng.ru) của Nga số ra mới đây có bài viết nhận định, Nga đang là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về các phương tiện kỹ thuật thực hiện thanh toán.
Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở Nga trong năm 2022 đạt mức kỷ lục 78% trong khi vào năm 2014, con số này chỉ khoảng 26%.
Trong số 75 nền kinh tế lớn nhất được nghiên cứu, 22 quốc gia đã phát triển hệ thống thanh toán của riêng mình, bao gồm cả Nga với hệ thống thẻ MIR và việc ra mắt hệ thống thanh toán tức thời (SBP) quốc gia.
Việc có được hệ thống thanh toán riêng đã giúp nước Nga làm suy yếu một phần tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Chính sự tồn tại của hệ thống thẻ thanh toán quốc gia (NSPK) đã giúp đảm bảo sự ổn định của các khoản thanh toán nội bộ, giống như Shetab ở Iran, BancNet ở Philippines và UnionPay ở Trung Quốc đã vận hành các hệ thống thanh toán tự trị của các quốc gia này trong nhiều năm.
Dự kiến, Ngân hàng Trung ương Nga sắp tới sẽ tung ra thêm một phương tiện thanh toán hiện đại khác, đó là đồng Ruble kỹ thuật số. Như các chuyên gia giải thích, đây sẽ là hình thức thanh toán thứ ba của đồng Ruble, sau tiền giấy và phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Sau nhiều năm thảo luận, cơ quan quản lý của Nga đã đi đến những chi tiết cụ thể. Kể từ cuối tháng 12/2022, Duma Quốc gia Nga (Quốc hội) đã thảo luận về một gói tài liệu nhằm đưa đồng Ruble kỹ thuật số vào vòng quản lý bằng luật pháp.
Văn phòng của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiulina, dự kiến sẽ đưa ra phương án thanh toán sử dụng đồng Ruble kỹ thuật số đầu tiên vào đầu tháng 4/2023.
Các chuyên gia cho biết, một trong những đối tượng được hưởng lợi chính từ việc áp dụng đồng Ruble kỹ thuật số là Ngân hàng Trung ương Nga. Ngân hàng sẽ có cơ hội thực hiện chính sách tiền tệ hiệu lực và hiệu quả hơn, phát hành tiền kỹ thuật số nhanh hơn và rẻ hơn, đồng thời tăng cường kiểm soát việc sử dụng các quỹ ngân sách và tăng tính minh bạch của các giao dịch tài chính.
Đối với doanh nghiệp và người dân, họ sẽ rất thuận tiện khi sử dụng một ví kỹ thuật số duy nhất thông qua ứng dụng của bất kỳ ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tài chính nào khác. Đồng thời, giải pháp thay thế mới cho đồng Ruble thông thường còn được xây dựng để có thể sử dụng ngoại tuyến, tức là không cần truy cập Internet.
Mở đường vượt các lệnh trừng phạt?
Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga Elvira Nabiulina cho biết, Ngân hàng này sẽ “tích cực thúc đẩy khả năng thanh toán xuyên quốc gia” bằng cách sử dụng đồng Ruble kỹ thuật số.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chiến lược đồng Ruble kỹ thuật số hiện tại chưa hoàn toàn rõ ràng và các khoản thanh toán xuyên quốc gia có thể phải cần thêm một số công cụ khác ngoài đồng Ruble kỹ thuật số mới.
Theo bà Elina Sidorenko, Giám đốc Trung tâm Đổi mới tài chính và kinh tế kỹ thuật số tại Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) cũng cần phải trả lời rõ ràng câu hỏi, đồng Ruble kỹ thuật số được lên kế hoạch tích hợp vào hệ thống hoạt động kinh tế đối ngoại như thế nào?
Đó là những vấn đề mà Ngân hàng Trung ương Nga phải làm rõ cho các doanh nghiệp và lựa chọn chiến lược phát triển trong bối cảnh triển khai rộng rãi đồng Ruble kỹ thuật số”.
Tuy nhiên, bà Sidorenko tin tưởng, đồng Ruble kỹ thuật số sẽ mang lại cơ hội lớn trong thanh toán quốc tế để kinh tế Nga vượt qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt.
Theo chuyên gia MGIMO, “Đồng Ruble kỹ thuật số tích hợp một số tính năng chính giúp thực hiện hoạt động kinh tế đối ngoại bất chấp các lệnh trừng phạt. Đầu tiên là bảo vệ chính sách tiền tệ của nhà nước Nga, một đồng tiền kỹ thuật số sẽ đảm bảo đầy đủ chủ quyền theo nghĩa này.
Ngoài ra, công cụ này cũng có khả năng tạo ra một hệ thống tương đối khép kín đối với bên ngoài về mặt đánh giá và xác minh giao dịch. Hiện tại, nhiều đối tác buộc phải từ chối hợp tác với Nga vì lo ngại khả năng vi phạm các biện pháp trừng phạt do Mỹ và phương Tây đề ra. Nhưng khi thực hiện thanh toán bằng đồng Ruble kỹ thuật số, các đối tác của Nga sẽ có cơ hội giữ bí mật về hợp tác trước những "kẻ không thân thiện" và thực hiện các thanh toán cần thiết. Theo đó, Liên bang Nga nên chọn đồng Ruble kỹ thuật số từ quan điểm chiến lược, làm loại tiền tệ cho hoạt động kinh tế đối ngoại”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiền điện tử và blockchain của Nga Valery Petrov giải thích: “Nếu chúng ta thấy bất kỳ khoản thanh toán nào thông qua các ngân hàng trung ương sử dụng công nghệ mới, thì đó sẽ không còn là đồng Ruble kỹ thuật số nữa, mà là "một loại tiền tệ mới được đảm bảo bởi một tài sản" sẽ được các đối tác của Nga chấp thuận khi tiến hành thanh toán xuất nhập khẩu.
Giả sử đó có thể là một Stablecoin (đồng tiền điện tử mà giá trị của nó được gắn với một loại tài sản tham chiếu) được đảm bảo bằng vàng hoặc một tài sản có tính thanh khoản cao khác. Công nghệ sẽ được thử nghiệm tại Ngân hàng Trung ương và trong tương lai cũng có thể được sử dụng cho các khoản thanh toán quốc tế, nhưng nó sẽ không còn là đồng Ruble kỹ thuật số được đề cập trong các tài liệu hiện tại của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga”.
Người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về Thị trường Tài chính Anatoly Aksakov mới đây cho biết, sau chuyến thăm làm việc gần đây của một phái đoàn Nga đến Iran, một đồng Stablecoin được đảm bảo bằng vàng có khả năng sẽ được sử dụng trong các thanh toán xuất khẩu giữa Nga với Iran.
Bà Sidorenko cho rằng, việc hình thành hệ thống đồng Ruble kỹ thuật số và phát triển hợp tác trong việc tạo ra các phương tiện thanh toán kỹ thuật số quốc tế có thể phát triển song song với nhau và được kết nối với nhau.
Rộng hơn, bà Elina Sidorenko tin tưởng, “Không có gì ngăn cản Liên bang Nga tham gia phát triển một đơn vị thanh toán thống nhất trong khuôn khổ khối Nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS).
Trên thực tế, ý tưởng này đã được đưa ra trong một thời gian dài, nhưng vẫn chưa nhận được sự phát triển thích hợp. Nhưng nay sẽ khác, điều rất quan trọng đối với các quốc gia là xác định chính sách thanh toán nội khối của họ, liệu họ có sẵn sàng chuyển một phần quyền hạn của mình sang một loại tiền tệ sẽ được coi là một đơn vị thanh toán hay không?