Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Zuma/AFP) |
Thúc đẩy phi USD hóa
Trên trang Asia Times, ông Mikhail Karpov, Phó Giáo sư tại Trường Nghiên cứu châu Á, trực thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga (Đại học HSE) cho rằng, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukrainebùng nổ, Trung Quốc đã định vị là một bên tham gia “trung lập”, tìm cách đóng vai trò trung gian hòa giải, đồng thời từ chối hỗ trợ quân sự cho Nga. Đồng thời, Bắc Kinh cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moscow.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, “thế giới càng trở nên bất ổn thì Trung Quốc và Nga càng cần phải thúc đẩy quan hệ một cách bền vững".
Một trong những mục đích chính trong chuyến thăm chính thức Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước là nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới, mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại, đồng thời gửi tín hiệu tới phương Tây rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới độc lập trong việc xác định chính sách đối ngoại trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine.
Theo ông Mikhail Karpov, đối với Trung Quốc và Nga, hợp tác kinh tế không chỉ là một cách để duy trì sự độc lập khỏi sự thống trị kinh tế của phương Tây mà còn mang lại lợi ích chung cho cả hai nền kinh tế. Nền kinh tế của Trung Quốc và Nga có sự bổ sung và tương thích đặc biệt vì họ có khả năng đáp ứng nhu cầu của nhau.
Sự bổ sung và tương thích này chủ yếu được chứng minh bằng sự tăng trưởng trong thương mại song phương.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, thực tế, trong đại dịch Covid-19, thương mại Nga-Trung giảm ít hơn so với thương mại với các nước khác. Sau đại dịch, khối lượng kim ngạch thương mại giữa hai bên hai đã nhanh chóng phục hồi và vượt giá trị trước đó.
Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc năm 2020 giảm chưa đến 2%. Và sang năm 2021, kim ngạch thương mại đạt giá trị gần 147 tỷ USD .
Quý 1/2022, kim ngạch thương mại Nga-Trung suy giảm nhưng bắt đầu phục hồi vào quý II/2022 và đạt kỷ lục 190 tỷ USD vào cuối năm. Điều này càng thể hiện tính bổ sung cho nhau của hai nền kinh tế.
Tình hình địa chính trị hiện nay liên quan đến xung đột Nga-Ukraine và chính sách trừng phạt chưa từng có đối với Moscow của Mỹ và các nước phương Tây khác cũng đã thúc đẩy xu hướng phi USD hóa và làm tăng sức hấp dẫn của Nhân dân tệ.
Trong bối cảnh nền kinh tế Nga có thể phi USD hóa một phần, việc sử dụng thực tế các giao dịch không dùng tiền mặt bằng đồng Nhân dân tệ ngày càng tăng.
Thị phần của đồng Nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối Nga đã tăng từ 1% vào đầu năm 2022 lên 40-45% vào quý III/2022. Các báo cáo giao dịch hàng ngày của Sàn giao dịch Moscow cho thấy, Nhân dân tệ đã vượt qua USD về khối lượng giao dịch hàng tháng.
Nga đang đóng một vai trò tích cực trong quá trình phi USD hóa toàn cầu. (Nguồn: Reuters) |
Nga đang "hướng Đông"
Kể từ năm 2012, Nga bắt đầu “hướng Đông”. Không giống như Mỹ, Nga coi hợp tác với Trung Quốc là cơ hội để trao đổi, hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Khi tái đắc cử Tổng thống Nga lần thứ ba vào năm 2012, ông Vladimir Putin nói rằng: “Tôi tin rằng, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn không phải là một mối đe dọa, mà là một thách thức. Điều này mang lại tiềm năng hợp tác kinh doanh to lớn giữa Nga và Trung Quốc, là một cơ hội để đón 'làn gió Trung Quốc' trên cánh buồm của nền kinh tế chúng ta".
Ông Mikhail Karpov nhận định: "Đây rõ ràng là lời kêu gọi Nga tận dụng triển vọng đầy hứa hẹn của việc tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Bước ngoặt này xảy ra vào một thời điểm rất thích hợp khi Moscow đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Vladivostok".
Vào thời điểm đó khác với khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bùng nổ. Ông Mikhail Karpov cho biết, các nhà đầu tư phương Tây vẫn đang hoạt động ở Nga. Và Moscow thực hiện bước ngoặt này để đa dạng hóa và cân bằng các mối quan hệ kinh tế với các nước khác.
Bước sang năm 2022, sau xung đột Nga-Ukraine, các doanh nghiệp phương Tây lũ lượt rời Nga. Tổng thống Putin cho biết, chính phủ sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc thay thế các công ty phương Tây.
Trước đây, nhiều công ty Nga sẽ mua thiết bị châu Âu để nâng cấp nhà máy sản xuất nhưng hiện tại, họ đang tìm kiếm thiết bị của doanh nghiệp Trung Quốc.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng đang giành thị phần tại Nga. Haval, Geely, Changan, Great Wall và FAW nằm trong số 10 thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Nga trong hai tháng đầu năm 2023.
Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ việc gia tăng thương mại với Nga. Công ty khai thác đồng khổng lồ Udokan Copper của Nga đang trong quá trình hoàn thành việc xây dựng tổ hợp khai thác đồng mới, với sản lượng chủ yếu sẽ được bán cho Trung Quốc. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu đồng ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nước này.
Trong khi đó, công ty khai thác khác của Nga - Norilsk Nickel - một trong những nhà sản xuất kim loại lớn nhất thế giới, đang chuyển xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hay Công ty hóa dầu Sibur của Nga và tổ hợp sản xuất ZapSib hàng đầu của họ ở phía Tây Siberia đã tăng gấp đôi công suất sản xuất nhựa, polyetylen và polypropylen phổ biến. Trung Quốc bị thâm hụt polyetylen và các công ty Nga như Sibur có thể giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, Tập đoàn Gazprom của Nga đang tăng cường cung cấp khí đốt cho Trung Quốc và đàm phán về một dự án cung cấp bổ sung tiềm năng qua nước láng giềng Mông Cổ.
Ông Mikhail Karpov kết luận: "Đây chỉ là một số trong rất nhiều ví dụ chứng minh nền kinh tế Trung Quốc và Nga bổ sung cho nhau.
Trong bối cảnh Mỹ nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington có thể sẽ xấu đi hơn nữa và đối đầu kinh tế trong dài hạn dường như không thể tránh khỏi. Điều này thể hiện một động lực khác để thúc đẩy mối quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và Nga".