📞

Nga tính cách tịch thu tài sản của người chỉ trích quân đội, lên kế hoạch đáp trả nếu Mỹ triển khai quân ở Đan Mạch

Nhất Phong 20:22 | 20/01/2024
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin ngày 20/1 cho biết nước này sẽ xem xét một dự luật nhằm tịch thu tài sản và hiện vật có giá trị của bất kỳ ai bị kết tội truyền bá "tin tức giả mạo" về quân đội Nga. Đồng thời Moscow lên kế hoạch đáp trả nếu Mỹ đưa quân đồn trú tại Đan Mạch.
Ông Vyacheslav Volodin, chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện Nga). (Nguồn: TASS)

Moscow coi những lời chỉ trích quân đội là bất hợp pháp. Sau khi nước này phát động chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Nga đã bắt giữ hàng nghìn người phản đối cuộc xung đột.

Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin cho biết dự luật trên nhận được sự ủng hộ của tất cả các phe phái lớn trong Quốc hội. Dự luật sẽ được giới thiệu tại Hạ viện Nga trong ngày 22/1.

Trên Telegram, ông Volodin viết: “Bất cứ ai cố gắng hủy diệt nước Nga và phản bội nước Nga sẽ phải nhận hình phạt xứng đáng, đồng thời bồi thường thiệt hại cho đất nước bằng tài sản của mình”.

Theo ông, các biện pháp này nhằm trừng phạt những “kẻ vô lại bôi nhọ đất nước, các chiến sĩ, sĩ quan phục vụ trong chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Các đối tượng bị cáo buộc truyền bá "thông tin sai lệch" về quân đội phải đối mặt mức án tù tối đa lên tới 15 năm. Cáo buộc này được chính quyền Nga sử dụng để ngăn chặn mọi hình thức bất đồng chính kiến.

Theo luật, thông tin về cuộc tấn công ở Ukraine không đến từ nguồn chính thức của chính phủ có thể bị coi là "sai sự thật" và việc phổ biến thông tin đó có thể bị truy tố.

Cùng ngày. Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin nói với hãng Sputnik rằng Moscow sẽ quyết định các biện pháp quốc phòng nhằm đáp trả khả năng Mỹ triển khai quân đội tại Đan Mạch sau khi đánh giá các mối đe dọa.

Vào tháng 12/2023, Mỹ và Đan Mạch đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương, theo đó cho phép triển khai binh sĩ Mỹ tại Đan Mạch và thực hiện công tác huấn luyện chung thường xuyên hơn giữa quân đội hai nước.

Đại sứ Barbin phân tích: "Trong khuôn khổ thỏa thuận này, các lực lượng vũ trang Mỹ lần đầu tiên sẽ có khả năng hiện diện lâu dài trên lãnh thổ Đan Mạch, điều này tạo ra những thách thức mới đối với an ninh của đất nước chúng tôi ở khu vực Biển Baltic.

Đây là động thái rõ ràng nhằm làm suy yếu hơn nữa tình hình quân sự và chính trị trong khu vực dưới chiêu bài răn đe và hăm dọa Nga. Các hành động thù địch chắc chắn sẽ được tính đến trong kế hoạch quân sự của chúng tôi. Các biện pháp ứng phó quân sự cần thiết sẽ được xác định, trên cơ sở đánh giá toàn diện về bản chất của các mối đe dọa trong khu vực này".

(theo AFP/ TASS)