Tổng thống Nga Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong Lễ khánh thành đường ống dẫn dầu dài1000 Km từ Siberia tới Trung Quốc tại Bắc Kinh. |
Những văn kiện ký kết giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng một lần nữa chứng tỏ, Trung Quốc là thị trường rộng lớn bậc nhất thế giới đang rất “đói” năng lượng của Nga. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chứng kiến lễ ký kết thoả thuận về quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn năng lượng Gazprom và Công ty dầu mỏ Transneft của Nga với Công ty dầu mỏ quốc gia Trung Quốc CNPC (China National Petroleum Corporation). Nguyên thủ hai nước còn chứng kiến lễ khởi động tuyến đường ống dẫn dầu Scovodino-Đại Khánh, một phân nhánh thuộc trục đường ống dẫn dầu từ Đông Siberi của nước Nga tới các nước khu vực Thái Bình Dương, sẽ cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc trong vòng 20 năm, với khối lượng 15 triệu tấn mỗi năm. Nga và Trung Quốc còn thảo luận xây dựng nhà máy lọc dầu ở thành phố cảng Thiên Tân phía bắc Trung Quốc trị giá 5 tỷ USD và khoảng 500 trạm phân phối xăng dầu tại Trung Quốc. Hiệp định hợp tác về khí đốt giữa Nga và Trung Quốc đã từng được chuyên gia hai nước thảo luận từ năm 2006 và trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev mới được ký, theo đó Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc theo hai tuyến. Tuyến một đi từ cơ sở khí đốt của Nga ở Tây Siberi, còn tuyến hai đi từ Đông Siberi, Viễn Đông và thềm lục địa đảo Xakhalin, sang Trung Quốc. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc hiện vẫn sử dụng than đá là nguồn năng lượng chủ yếu, nhưng trong tương lai họ sẽ chuyển sang sử dụng khí đốt với tỷ phần ngày một tăng và vì thế “dòng năng lượng xanh” từ Nga sẽ đóng vai trò rất lớn trong cán cân năng lượng của quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và hiện đã vươn lên vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.
Ngoài dầu mỏ và khí đốt, Công ty Xuất khẩu xây dựng nguyên tử của Nga và Công ty năng lượng hạt nhân JNPC của Trung Quốc (Jiangsu Nuclear Power Corporation) còn ký kết hợp đồng về việc Nga sẽ xây dựng cho Trung Quốc hai tổ máy số 3 và số 4 của nhà máy điện nguyên tử. Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới công nghệ xây dựng nhà máy điện nguyên tử nổi trên biển của Nga. Hai bên đã đạt được thoả thuận thành lập Nhóm công tác để nghiên cứu và xem xét khả năng hơp tác giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực này. Dự kiến, đến năm 2012, nhà máy điện nguyên tử nổi trên biển đầu tiên của Nga sẽ đi vào hoạt động và sau đó, Nga sẽ đàm phán để xuất khẩu công nghệ độc nhất vô nhị này sang Trung Quốc. Hai bên thoả thuận về dự kiến phát triển các loại năng lượng mới trên lãnh thổ Trung Quốc.
Ngoài các dự án cung cấp năng lượng giữa hai nước, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, hai bên còn đàm phán về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao quân sự, qua đó thấy rõ một diễn biến mới là từ nay, Trung Quốc dường như đã “no” công nghệ quân sự của Nga. Trong hai thập kỷ qua, sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã nhanh nhạy tiếp thu công nghệ cao quân sự của Nga, từ đó đã làm chủ được nhiều công nghệ then chốt và tự phát triển các công nghệ đó trong nước, thậm chí xuất khẩu ra thị trường thế giới. Vì thế, thời gian gần đây, khối lượng vũ khí trang bị của Nga xuất khẩu sang Trung Quốc không tăng, bởi lẽ Trung Quốc cần Nga chuyển giao công nghệ hơn là xuất khẩu sản phẩm. Thí dụ điển hình là Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu Su-27 của Nga, sau đó tự chế tạo loại máy bay này với thương hiệu J-11 với 100% linh kiện chế tạo trong nước và được xuất khẩu ra thị trường thế giới với giá chỉ bằng một nửa giá máy bay chiến đấu cùng loại của Nga.
Theo kết quả nghiên cứu thẩm định của Trung tâm nghiên cứu quân sự của Thuỵ Điển trên phần mềm mô hình hoá các trận không chiến, thì máy bay chiến đấu J-11B của Trung Quốc có tính năng chiến-kỹ thuật thậm chí còn vượt trội hơn máy bay chiến đấu Su-35BM của Nga. Hãng Sukhoi của Nga cho rằng máy bay Su-35 của Nga đã là máy bay chiến đấu đa năng siêu cơ động, sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5, với hệ thống điều khiển hoàn toàn số hoá; có thể đồng thời phát hiện, bám và tiến công nhiều mục tiêu từ cự ly rất xa. Thế nhưng, máy bay J-11B của Trung Quốc đã đạt được trình độ công nghệ của Su-35. Vì thế, đã đến lúc giữa Nga và Trung Quốc cần giải quyết vấn đề phát sinh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bởi sau khi đã làm chủ được công nghệ do Nga chuyển giao và tự chế tạo nhiều loại vũ khí để xuất khẩu sang các nước, Trung Quốc tự nhiên trở thành đối thủ cạnh tranh của Nga trên thị trường thế giới.
Lê Minh Quang