📞

Nga-Ukraine ký thỏa thuận 'mở khóa' cảng bên bờ Biển Đen; Moscow tuyên bố 'không lợi dụng'; Mỹ, Anh lên tiếng

Việt An 06:39 | 23/07/2022
Ngày 22/7, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm mở lại các cảng bên bờ Biển Đen để nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, qua đó làm dấy lên hy vọng về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vốn khởi nguồn từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, có thể được xoa dịu.
Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov (thứ hai từ trái sang) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar sau khi ký thỏa thuận tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã ký vào hai văn kiện riêng nhưng có nội dung giống nhau nhằm dỡ bỏ phong tỏa các tuyến đường vận tải tại biển Đen. Các quan chức LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ký kết tại buổi lễ ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Thỏa thuận đánh dấu 2 tháng diễn ra những cuộc đàm phán do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian nhằm đạt được mục tiêu mà Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng nêu là vừa giúp khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, vừa tạo điều kiện cho các chuyến hàng chở ngũ cốc và phân bón của Nga.

Thỏa thuận được ký kết bất chấp các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây đối với Moscow.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, Mocow sẽ không "lợi dụng" việc rà phá bom mìn và mở các cảng ở Ukraine theo thỏa thuận do LHQ bảo trợ với mục tiêu nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc quan trọng.

Sau lễ ký thỏa thuận về ngũ cốc tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), phát biểu với kênh truyền hình nhà nước Rossiya-24, Bộ trưởng Shoigu khẳng định: "Nga đã tiếp nhận các nghĩa vụ được nêu rõ trong văn kiện này. Chúng tôi sẽ không lợi dụng việc các cảng này sẽ được thông quan và mở cửa. Chúng tôi đã đưa ra cam kết này".

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield tuyên bố, Mỹ sẽ buộc Nga phải có trách nhiệm trong việc thực thi thỏa thuận.

Ngoài ra, phát biểu với phóng viên, người đứng đầu Văn phòng Điều phối trừng phạt thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ James O'Brien cho hay, Mỹ cũng muốn Trung Quốc ngừng dự trữ ngũ cốc và cung cấp nhiều hơn nữa mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu viện trợ nhân đạo trên toàn cầu.

Về phía Anh, chính phủ đã chúc mừng thành công của Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ trong vai trò làm trung gian cho thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Tuy nhiên, London cho rằng, trách nhiệm của Nga là phải tôn trọng những cam kết của chính nước này.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố: "Cuộc xâm lược tàn bạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine đã khiến cho nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới có nguy cơ bị đói. Thỏa thuận này cần phải được thực thi và chúng tôi sẽ giám sát nhằm đảm bảo những hành động của Nga khớp với cam kết của nước này".

Liên minh châu Âu (EU) cũng hoan nghênh một cách thận trọng thỏa thuận giữa Nga, Ukraine, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ về việc nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc.

Theo EU, văn kiện có thể làm dịu đi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong đó hàng triệu người đang phải đối mặt với nạn đói.

Viết trên mạng xã hội Twitter, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nêu rõ: "Thỏa thuận Istanbul ngày hôm nay là 1 bước đi đúng hướng. Chúng tôi kêu gọi nhanh chóng thực thi thỏa thuận".

(theo Reuters, AFP)