📞

Nga vẫn bội thu từ dầu, Ukraine nói 'nực cười', Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ thành 'lối thoát'

Việt An 08:39 | 17/11/2022
Doanh thu của Nga từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã giảm trong tháng 10/2022, xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.
Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một tuyến đường mới để cung cấp dầu của Nga cho Liên minh châu Âu (EU). (Nguồn: FILE)

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, Nga đã thu được khoảng 21 tỷ Euro (21,7 tỷ USD) từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch vào tháng 10 vừa qua, giảm 7% so với tháng 9.

Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 14% xuống còn 7,5 tỷ Euro, thấp hơn mức trước xung đột.

Trong buổi trình bày báo cáo tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập, ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Thật nực cười khi Nga vẫn nhận được gần 700 triệu Euro mỗi ngày từ nhiên liệu hóa thạch, khi đây là nguồn tài trợ chính cho cuộc xung đột tại Ukraine".

EU sẽ cấm nhập khẩu hầu hết dầu thô của Nga vào tháng tới. Các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga cũng sẽ bị cấm từ tháng 2/2023.

Khối liên minh gồm 27 quốc gia này cũng đã đặt lệnh cấm vận đối với than đá của Nga, song không cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, trong khi Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt cho EU.

CREA cho biết: “Một tuyến đường mới cho dầu của Nga tới EU đang xuất hiện thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang trở thành một điểm đến ngày càng phổ biến của dầu Nga”.

Theo trung tâm này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nga kể từ khi cuộc xung đột với Ukraine bắt đầu diễn ra.

Dầu sau đó được xử lý ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế sang EU và Mỹ đã tăng 85% trong tháng 9-10/2022 so với giai đoạn tháng 7-8/2022.

Do đó, CREA nhận thấy, các nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp một "lối thoát" cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga, bằng cách tinh chế các sản phẩm cho các thị trường không sẵn sàng nhập khẩu dầu thô của Nga trực tiếp hoặc không có năng lực tinh chế để xử lý nó.

CREA nhấn mạnh: "Khi EU cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga vào ngày 5/12, lỗ hổng này có thể trở nên quan trọng".

(theo AFP)