📞

Nga xuất khẩu dầu: Doanh thu tháng 3 giảm 43%; lượng dầu diesel bán cho Thổ Nhĩ Kỳ cao nhất 5 năm

Hải An 06:15 | 15/04/2023
Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây, lượng dầu thô xuất khẩu của Nga trong tháng 3/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm qua. Tuy nhiên, doanh thu của nước này lại giảm mạnh so với năm 2022.
Một tàu chở dầu ở Novorossiysk, Nga, tháng 10/2022. (Nguồn: New York Times)

Đó là nội dung trong báo cáo thị trường dầu mỏ hằng tháng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), công bố ngày 14/4.

Theo IEA, toàn bộ lượng dầu xuất khẩu của Nga trong tháng 3/2023 tăng trung bình 600.000 thùng/ngày lên 8,1 triệu thùng/ngày - mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Trong khi đó, doanh thu từ dầu của Nga tăng 1 tỷ USD lên 12,7 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

IEA cho biết, lượng dầu xuất khẩu của Nga tăng chủ yếu là nhờ tăng sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu, vốn đã quay trở về mức trước đại dịch Covid-19 khi tăng 450.000 thùng/ngày lên 3,1 triệu thùng/ngày.

Lượng sản phẩm dầu sang các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng gần gấp đôi trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 3/2023 lên 300.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, giảm gần 1,5 triệu thùng so với mức trước khi xảy ra xung đột với Ukraine (tháng 2/2022).

Trong khi đó, lượng dầu diesel của Nga xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ - nước từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây - đạt mức cao nhất kể từ năm 2018.

Xuất khẩu dầu thô của Nga tăng 100.000 thùng/ngày lên 5 triệu thùng/ngày. Trong tháng 3, Ấn Độ đã thế chỗ Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu chính dầu của Moscow tại châu Á.

Cơ quan trên cũng cho biết, Nga đã không đạt mục tiêu cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày để đáp trả các biện pháp áp giá trần của phương Tây mà nước này chỉ cắt giảm sản lượng 290.00 thùng/ngày trong tháng 3.

IEA cảnh báo, việc một số nước thành viên nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,7 triệu thùng/ngày cùng với lượng cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày mà nhóm này thỏa thuận hồi tháng 11/2022 dự báo có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong nửa cuối năm 2023.