UBS đang đàm phán mua lại toàn bộ hay một phần ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ - Credit Suisse. (Nguồn: Getty Images) |
Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ - đã chịu áp lực trong tuần này khi sự sụp đổ của 2 ngân hàng ở Mỹ đã làm rung chuyển ngành này.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) và Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ (FINMA) đã thông báo với các đối tác Mỹ và Anh rằng, "kế hoạch A" của họ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin mà Credit Suisse phải đối mặt là hợp nhất ngân hàng này với UBS.
SNB "muốn UBS và Credit Suisse nhất trí với một giải pháp đơn giản và minh bạch trước khi thị trường mở cửa ngày 20/3", đồng thời thừa nhận "không có gì đảm bảo" cho một thỏa thuận.
UBS muốn đánh giá những rủi ro mà việc tiếp quản toàn bộ hoặc một phần đối thủ cạnh tranh Credit Suisse có thể gây ra cho hoạt động kinh doanh của chính UBS.
* Trong một diễn biến liên quan, các nhà đầu tư của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse đã khởi kiện tập thể ngân hàng này, cho rằng Credit Suisse đã phóng đại về triển vọng hoạt động, trước khi giá cổ phiếu lao dốc trong tuần qua.
Do hoạt động bán tháo, giá cổ phiếu của Credit Suisse phiên 15/3 đã giảm tới 30% sau thông báo của cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia trong việc không thể tăng cổ phần do quy định hạn chế nắm giữ cổ phần ở mức dưới 10%.
SNB ngày 16/3 thông báo cấp khoản hỗ trợ 50 tỷ Franc Thụy Sỹ (khoảng 54 tỷ USD) cho Credit Suisse và giá cổ phiếu của ngân hàng này đã phục hồi.
Tuy nhiên, Hãng luật Rosen chuyên về các vụ kiện tập thể đã nộp đơn kiện lên một tòa án tại Camden, New Jersey, trong đó cho rằng Credit Suisse đã cung cấp các thông tin không đúng trong báo cáo thường niên năm 2021.
Đây là đơn kiện đầu tiên nhằm vào Credit Suisse kể từ khi cuộc khủng hoảng nhanh chóng làm giảm giá trị các khoản đầu tư của các cổ đông.
Trong tuần trước, Credit Suisse đã thừa nhận có những điểm yếu trong quá trình làm báo cáo khi công bố báo cáo thường niên của năm 2022 sau khi bị trì hoãn. Điều này có thể đưa đến nhưng sai lệch trong các kết quả kinh doanh.
Giá cổ phiếu của Credit Suisse lao dốc trong lúc có những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng toàn cầu, sau khi Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ phá sản trong tuần trước.
Vào đêm 16/3, các ngân hàng lớn của Mỹ đã can thiệp để hỗ trợ First Republic, ngân hàng có quy mô trung bình cũng gặp khó khăn, khi khách hàng rút tiền gửi sau vụ phá sản của SVB.
Credit Suisse đang nỗ lực giải quyết các bê bối trong thập kỷ qua liên quan đến các các buộc về gián điệp doanh nghiệp, trốn thuế, rửa tiền
* Trước đó, ngày 15/3, báo Financial Times đưa tin Credit Suisse đã kêu gọi SNB thể hiện sự ủng hộ công khai, sau khi giá cổ phiếu của ngân hàng này lao dốc tới 30% và gây ra làn sóng bán tháo rộng lớn hơn các cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu và Mỹ.
Báo trên dẫn lời nguồn thạo tin cho hay Credit Suisse cũng đã yêu cầu một phản hồi tương tự từ FINMA.
Trước đó, trong phiên giao dịch sáng cùng ngày (giờ địa phương), chứng khoán ngân hàng châu Âu giảm giá mạnh, trong bối cảnh giá cổ phiếu của Credit Suisse giảm xuống các mức thấp kỷ lục mới sau khi cổ đông lớn nhất của ngân hàng này thông báo không thể tăng cổ phần như đã định vì vướng mắc về quản lý.
Không chỉ các chứng khoán ngân hàng mà nhìn chung các thị trường chứng khoán châu Âu đều giảm điểm, mà nguyên nhân chủ yếu được cho là do tâm lý lo ngại gia tăng sau vụ Ngân hàng SVB phá sản.