Ngân hàng phát triển mới của BRICS chính thức hoạt động từ 21/7. (Nguồn: Shanghai Daily) |
Theo Tân Hoa xã, lễ khai trương ngân hàng NDB tại Thượng Hải có sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lầu Kế Vĩ, Thị trưởng Thượng Hải Dương Hùng, Chủ tịch điều hành DNB Kundapur Vaman Kamath, cùng nhiều quan chức và đại diện doanh nghiệp của 6 quốc gia BRICS, gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lầu Kế Vĩ cho biết, NDB đặt mục tiêu "huy động các nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững trong khối BRICS, cũng như các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển khác".
Các nước BRICS hiện chiếm tới 40% dân số và chiếm 28% GDP toàn thế giới. Năm 2013, các quốc gia này đã nhất trí thành lập ngân hàng của Nhóm. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 7, diễn ra tại thành phố Ufa (Nga) đầu tháng Bảy vừa qua, các nhà lãnh đạo nhóm này đã quyết định đưa NDB đi vào hoạt động.
Ngày 7/7, các Bộ trưởng Tài chính BRICS đã triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị NDB tại Thủ đô Moscow, Nga. Cựu Thống đốc ngân hàng ICICI của Ấn Độ - ông Kundapur Vaman Kamath, được bầu làm Chủ tịch điều hành Ngân hàng.
Vốn ban đầu của NDB là 50 tỷ USD, sau tăng lên 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỷ USD. Đây được xem là định chế tài chính cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Ngoài NDB, Trung Quốc còn nắm quyền kiểm soát và phủ quyết tại Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), một sáng kiến khác của Bắc Kinh, hiên có 57 thành viên.
Ngoài NDB, nhóm BRICS còn thành lập Qũy dự trữ 100 tỷ USD (được đánh giá như một IMF thu nhỏ) để đối phó với khủng hoảng tài chính.
N.B (tổng hợp)