Do các biện pháp trừng phạt rộng rãi của phương Tây, hiện có ít cơ hội cho các tổ chức tài chính Trung Quốc làm ăn với đối tác Nga. Trong ảnh: Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Nguồn: Bloomberg) |
Trong bài viết đăng trên WSJ ngày 7/3, các tác giả Jing Yang và Rebecca Feng nhận định, việc lo sợ có thể bị áp các lệnh trừng phạt bổ sung sẽ ngăn cản các nhà cho vay Trung Quốc trong việc "giải cứu" đối tác Nga trước khó khăn do lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Trên lý thuyết, các ngân hàng của Trung Quốc và hệ thống thanh toán nội địa của nước này có thể giúp Nga giảm nhẹ thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Cả Bắc Kinh và Moscow đều có chung lợi ích trong việc làm suy yếu tỷ lệ nắm giữ của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Lực bất tòng tâm?
Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt một loạt hình phạt đối với Nga, từ việc đóng băng phần lớn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương nước này, cho đến việc loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Từ lâu, Trung Quốc đã lo ngại về cái mà họ gọi là "quyền thống trị của đồng USD", đặc biệt là khi căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng bế tắc. Và Bắc Kinh có vẻ như đã tìm thấy một đồng minh ở Điện Kremlin, khi Nga bị trừng phạt sau vì sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Việc trao đổi thương mại giữa hai nước không sử dụng USD ngày càng tăng đã tạo cho Nga một lối thoát quan trọng để bán dầu, khí đốt và các sản phẩm khác mà không cần sử dụng hệ thống tài chính SWIFT.
Tính đến tháng 9/2021, chỉ hơn một phần ba kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc được thanh toán bằng USD, giảm từ 96% vào năm 2013. Trong khi đó, cũng chỉ có hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc được thanh toán bằng USD, giảm từ 90% vào năm 2013.
Tuy nhiên gần đây, trong khi chính quyền Bắc Kinh lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với Moscow, các ngân hàng lớn của nước này lại không có khả năng đứng ra "giải cứu" doanh nghiệp Nga.
Vấn đề đầu tiên là các tổ chức tài chính Trung Quốc ít quan tâm đến ý tưởng giao dịch ngân hàng cho các khách hàng Nga.
Giáo sư Zhiwu Chen, Chủ nhiệm bộ môn tài chính tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), người đã tham gia thu xếp cuộc gặp giữa các ngân hàng Trung Quốc và công ty Nga vào năm 2014 và 2015 cho biết, tại thời điểm đó, "các giám đốc điều hành ngân hàng Trung Quốc thực sự không có hứng thú, họ không muốn làm ăn gì với Nga".
8 năm kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, GS Chen nói: "Mức độ ấm áp đã tăng lên. Một khi 'cuộc hôn nhân ép buộc' này được sắp đặt và các bên sống cùng nhau, một số tình cảm có thể nảy sinh và phát triển”.
Tuy nhiên, theo ông Chen, mối quan hệ ngày càng được thắt chặt giữa các nhà lãnh đạo hai nước cũng không mang lại hiệu quả hợp tác như họ mong muốn trong mối quan hệ giữa các ngân hàng Trung Quốc và doanh nghiệp Nga.
Một cản trở khác là luật năm 2017 cho phép Mỹ trừng phạt các thực thể nước ngoài giao dịch với các công ty, quốc gia và cá nhân trong “danh sách đen” của Washington. Đối với bất kỳ ngân hàng nào muốn giao dịch bằng USD, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Tin liên quan |
Ảnh ấn tượng tuần (28/2-6/3): Xung đột Nga-Ukraine, Mỹ điều quân đến Đông Âu, tranh cãi vụ cháy nhà máy điện hạt nhân, đổ lỗi nhau về lệnh ngừng bắn |
Chuyên gia Chen Zhu tại công ty luật Morrison & Foerster LLP chi nhánh Hong Kong cho biết: “Các tổ chức tài chính Trung Quốc đang tuân thủ nghiêm túc các biện pháp trừng phạt này, họ rất hiểu về các nguy cơ nếu không làm như vậy”.
Ông nói: “Do các biện pháp trừng phạt rộng rãi của phương Tây, hiện có ít cơ hội cho các công ty và tổ chức tài chính Trung Quốc làm ăn với các đối tác Nga".
Ngay từ trong quá khứ, các biện pháp trừng phạt thứ cấp này đã cản trở các ngân hàng Trung Quốc.
CIPS - giải pháp khả thi?
Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc, còn gọi là CIPS, đã được coi là một giải pháp tiềm năng khi các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT. Nhưng các nhà phân tích và luật sư nói rằng hệ thống này sẽ không - hoặc ít nhất là chưa - phù hợp để ngân hàng Nga giao dịch với đối tác quốc tế.
Ra mắt vào năm 2015, CIPS được phát triển bởi ngân hàng trung ương Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế và xử lý phần lớn các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ giữa Trung Quốc và đối tác nước ngoài.
Nhưng tính đến quý 3 năm ngoái, CIPS mới chỉ xử lý trung bình 13.000 giao dịch mỗi ngày.
Thực tế trên đặt ra câu hỏi về việc liệu hệ thống này có thể mở rộng quy mô đến đâu, trong khi, so với cùng kỳ, SWIFT đã xử lý hơn 40 triệu tin nhắn mỗi ngày!
Ông Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Địa lý của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Tôi không nghĩ đó là một giải pháp thay thế khả thi trong việc né tránh lệnh trừng phạt hay là một phương tiện thay thế hệ thống SWIFT trong tài chính quốc tế… CIPS chưa sẵn sàng”.
Nicholas Turner, luật sư tại Steptoe & Johnson LLP, thì nói rằng, bất kỳ ngân hàng nào sử dụng CIPS để lách SWIFT cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp.
“Hai hệ thống này vừa bổ sung vừa cạnh tranh nhau. Theo ước tính của nhà kinh tế học Raymond Yeung thuộc ngân hàng ANZ và các đồng nghiệp, SWIFT là một hệ thống nhắn tin trong khi hơn 80% giao dịch CIPS dựa vào điện tín SWIFT”, ông Nicholas Turner nói.
Trong một tuyên bố, SWIFT cho biết: "Kể từ năm 2016, SWIFT và CIPS đã hợp tác để tạo thành một kênh SWIFT an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy, nhằm kết nối CIPS với cộng đồng người dùng toàn cầu của SWIFT".
Đại diện CIPS đã không phản hồi yêu cầu bình luận về tuyên bố trên của SWIFT.
Nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn được duy trì và gây ra thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế Nga và lợi ích chiến lược của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ sử dụng các bên cho vay nhỏ hơn để giao dịch với Nga. (Nguồn: Reuters) |
Theo nghiên cứu của Giáo sư Wang Xiaoquan thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, tin nhắn SWIFT làm nền tảng cho các giao dịch giữa chi nhánh Moscow của Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngân hàng thanh toán bù trừ Nhân dân tệ duy nhất ở Nga.
Một lựa chọn dài hạn hơn, nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn được duy trì và gây ra thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế Nga và lợi ích chiến lược của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ sử dụng các bên cho vay nhỏ hơn để giao dịch với Nga.
GS Chen nói: "Trung Quốc có thể thành lập nhiều ngân hàng chỉ nhằm tham gia các hoạt động né trừng phạt để giúp đỡ nước khác. Nếu cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài trong một vài năm, một số ngân hàng nhỏ với mục đích như vậy có thể được thành lập”.
Thực tế cho thấy, có một số ngân hàng nhỏ của Trung Quốc trước đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại với các quốc gia bị trừng phạt như Iran.
Năm 2009, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã mua một ngân hàng thương mại có trụ sở tại Tân Cương, sau đó đổi tên thành ngân hàng Kunlun. Tổ chức tài chính này hoạt động dựa vào tiền gửi và hoạt động kinh doanh của các công ty con thuộc CNPC.
Năm 2012, Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt ngân hàng Kunlun, cùng một ngân hàng của Iraq, vì đã giúp các tổ chức tài chính Iran chuyển hàng triệu USD, đồng thời cấm ngân hàng này truy cập vào hệ thống tài chính của Mỹ.
Ngân hàng Kunlun trong những năm gần đây đã cắt giảm hoạt động ở Iran, khi Trung Quốc đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng.
GS Chen, người từng là giám đốc độc lập của PetroChina, từ năm 2011-2017 nhận định: "Ngay cả khi ngân hàng Kunlun bị Mỹ và các nước khác trừng phạt, thiệt hại sẽ là gì? Không có gì cả. Bởi ngân hàng đó không có hoạt động kinh doanh ở bất kỳ nước phát triển nào".
| Xung đột Nga-Ukraine sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu? Xung đột Nga-Ukraine có thể sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng quy mô lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, theo trang The ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (25/2-3/3): Phương Tây bắt tay ‘quay lưng’ với khí đốt Nga, EU dồn đòn trừng phạt, Moscow tung ‘chiêu đặc biệt’ chống đỡ Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng và ngũ cốc toàn cầu, phương Tây áp lệnh trừng phạt Moscow, Tổng thống Putin ... |