📞

Ngân khố Nga vẫn ‘rủng rỉnh’ nhờ dầu mỏ, phương Tây cấm vận, ai đang mua hàng với giá ưu đãi của Moscow?

Hải An 06:11 | 13/05/2022
Nga tiếp tục đạt doanh thu lớn từ dầu mỏ, ngay cả khi phương Tây tìm cách trừng phạt nước này bằng các lệnh cấm vận mới.

Nhà máy lọc dầu RN-Tuapsinsky ở Tuapse, Nga, thuộc tập đoàn Rosneft. (Nguồn: Bloomberg)

Bất chấp các biện pháp quyết liệt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hạn chế nhập khẩu dầu của Nga, Moscow vẫn có rất nhiều khách hàng mua dầu, với mức giá giảm vừa đủ để giữ cho doanh thu ở mức cao và ngân khố “rủng rỉnh”.

Nga tìm kiếm khách hàng thay thế

Trước xung đột với Ukraine, mỗi ngày, Nga bán khoảng một nửa trong số 7,85 triệu thùng dầu thô và dầu tinh luyện cho châu Âu. Nhưng trong bối cảnh xung đột và EU tuyên bố chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, Điện Kremlin đã được hưởng lợi khi giá cả mặt hàng này không ngừng tăng cao.

Theo Rystad Energy, một công ty nghiên cứu, tư vấn độc lập, ngay cả khi “cắt giảm sản lượng lớn dầu” trong năm nay, doanh thu thuế từ mặt hàng này của Nga vẫn “tăng đáng kể, lên hơn 180 tỷ USD, do giá dầu tăng vọt”. Con số này cao hơn 45% so với năm 2021.

Trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, xuất khẩu dầu thô của Nga chỉ giảm nhiều nhất 20%, một con số khá khiêm tốn.

Một nghiên cứu được thực hiện cho Washington Post của công ty phân tích vệ tinh Spire Global lưu ý rằng, các tàu chở dầu thô rời cảng của Nga đã giảm từ mức trung bình 17 chiếc mỗi ngày xuống còn 13 chiếc sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố vào ngày 8/3.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy không dễ để trừng phạt một cường quốc dầu khí lớn như Nga khi phần lớn thế giới - đặc biệt là các nước đang phát triển - còn đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Moscow được cho là đang tìm kiếm khách hàng mới và định hướng lại chiến lược xuất khẩu sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, những nền kinh tế lớn đang phát triển.

Lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga, từng chiếm chưa đến 3% lượng tiêu thụ của nước này, đã tăng vọt. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga ở châu Á.

Tuy nhiên, thị trường châu Á có giới hạn đối với Nga. Lý do chính là công suất đường ống giới hạn và hành trình vận chuyển dài. Theo thời gian, điều này có thể gây thiệt hại về tài chính cho Nga.

Daria Melnik, nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy, nói rằng, sản lượng dầu của Nga vào năm 2030 sẽ thấp hơn 2 triệu thùng/ngày so với trước xung đột với Ukraine.

Tuần trước, trong một báo cáo, Melnik cho biết: "Trong giai đoạn đầu của các lệnh trừng phạt và cấm vận, Nga sẽ được hưởng lợi vì giá cả cao hơn đồng nghĩa với việc thu thuế cao hơn đáng kể so với những năm gần đây.

Tuy nhiên, trong trung hạn, việc tập trung xuất khẩu sang châu Á sẽ mất nhiều thời gian và các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng sẽ khiến ​​sản lượng và doanh thu của Nga giảm mạnh”.

EU “đặt cược hai khoản lớn”

Bản chất của thị trường dầu mỏ và sự thay đổi chậm trong thói quen tiêu dùng có nghĩa là sự thiếu hụt tương đối nhỏ có thể dẫn đến việc tăng giá lớn.

Vì vậy, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hứa hẹn sẽ “loại bỏ dầu của Nga một cách có trật tự” và theo cách “giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu”, các nhà phân tích dầu mỏ cho rằng, sự thay đổi lớn sẽ không có gì khác ngoài “trật tự”.

Nhiều công ty kinh doanh dầu lớn nhất thế giới cho biết, các biện pháp trừng phạt của EU buộc họ phải giảm bớt giao dịch mua hàng.

Bà Ursula von der Leyen đã vạch ra hai thời gian biểu - loại bỏ dần nguồn cung dầu thô của Nga trong 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay.

Kevin Book, Giám đốc điều hành và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của ClearView Energy Partners, nói rằng, bà von der Leyen đã “đặt cược hai khoản lớn”.

Thứ nhất, một giai đoạn chậm có thể bảo vệ châu Âu trước những đợt tăng giá đột ngột và thứ hai, đó là một chương trình linh hoạt cho những quốc gia miễn cưỡng đồng ý với các lệnh trừng phạt.

Ông Book nói: “Cả hai điều trên đều không có vẻ gì là sai. Nếu các biện pháp trừng phạt có hiệu lực và được thực thi, khi đó thị trường dầu mỏ sẽ bị thắt lại và giá dầu thế giới tăng mạnh”.

Giá dầu diesel ở châu Âu đã tăng vọt, gây tổn hại trước hết cho người dân và các công ty vận tải.

Kayrros, một công ty phân tích dữ liệu vệ tinh, cho biết, lượng dầu thô trong các cơ sở lưu trữ ở châu Âu vẫn “thấp hơn nhiều” so với mức bình thường vào thời điểm này trong năm.

Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga buộc nhiều công ty kinh doanh dầu mỏ phải giảm bớt giao dịch mua hàng. (Nguồn: Reuters)

Và một báo cáo của Eurasia Group cho biết: “Lệnh cấm vận dầu Nga có thể sẽ dẫn đến sự xáo trộn thị trường toàn cầu và tồi tệ hơn khi các nhà lọc dầu châu Âu, để chuẩn bị cho lệnh cấm vận hoàn toàn, sẽ tích trữ khiến giá nhập khẩu tăng”.

Cũng theo ông Book, vấn đề thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp dụng lệnh hạn chế việc bảo hiểm cho các tàu chở dầu.

Nếu không có bảo hiểm, hầu hết các nhà khai thác tàu chở dầu sẽ hạn chế gửi tàu đến Nga.

Về việc này, tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AXA của Pháp vào tuần trước cho biết họ “hoàn toàn tôn trọng tất cả các biện pháp trừng phạt quốc tế hiện hành và đã ngừng bảo lãnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm mới đối với các tài sản thuộc sở hữu của Nga đặt tại Nga”.

Quan hệ Nga-Ấn Độ không chỉ có dầu mỏ

Trong khi phương Tây nghiên cứu cách thắt chặt các lệnh trừng phạt, Nga đã đạt được những tiến bộ đối với các mục tiêu của mình.

Ấn Độ là một trong số ít khách hàng sẵn sàng mua dầu của Nga, với mức chiết khấu lên tới hơn 30 USD/thùng.

Vào tháng 4, mỗi ngày, Ấn Độ mua 627.000 thùng dầu thô Urals của Nga, so với 274.000 thùng/ngày trong tháng Ba. Theo S&P Global, con số trong tháng 4 gấp 20 lần mức trung bình hằng ngày của năm 2021. Tổng mức tiêu thụ dầu của Ấn Độ năm ngoái là 4,76 triệu thùng/ngày.

Theo công ty cung cấp dịch vụ tài chính RBC Capital Markets thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada, mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ không chỉ đáng kể về dầu mỏ.

Công ty này lưu ý rằng, Moscow là “một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho New Delhi với hơn hai phần ba quân đội quốc gia Nam Á được trang bị thiết bị của Nga”. Cuối năm ngoái, hai nước đã gia hạn một hiệp ước hợp tác quốc phòng kéo dài 10 năm.

Nhưng công tác hậu cần đang gặp nhiều thách thức và Nga có thể đối mặt với tình trạng thiếu tàu chở dầu. Daniel Yergin, một nhà nghiên cứu năng lượng và là Phó chủ tịch của S&P Global cho biết: “Có thể mất 2 tuần để một tàu chở dầu đi từ Murmansk (Nga) đến châu Âu nhưng phải mất một tháng để đến Ấn Độ.

Ngoài ra, Nga còn phải mặt phó với sự cạnh tranh từ Iraq, một nước xuất khẩu dầu đang phát triển ở châu Á”.

Nga coi Trung Quốc là một thị trường mua dầu đang phát triển, nhưng làn sóng dịch Covid-19 đã khiến quốc gia châu Á phải áp lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và Bắc Kinh, làm giảm mạnh hoạt động kinh tế và hạn chế nhu cầu nhập khẩu dầu. Các nhà phân tích cho rằng, tiêu thụ dầu của Trung Quốc giảm từ 1 triệu đến 1,5 triệu thùng/ngày.

Chuyên gia Halff nói: “Nền kinh tế Nga vẫn có khả năng phục hồi một cách đáng kinh ngạc khi đối mặt các lệnh trừng phạt quốc tế, với sản xuất than vẫn đang tăng trưởng tốt.

Số lượng tàu chở dầu thô rời các cảng của Nga đang tăng lên, cho thấy xuất khẩu dầu thô vẫn tiếp diễn. Những thay đổi về hàng tồn kho tại các bến cũng cho thấy hoạt động xuất khẩu vẫn mạnh mẽ”.

Ông Halff nhận định, không có dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm mạnh.

Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, các thùng dầu Nga được bán với giá ưu đãi này sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và một số quốc gia châu Phi.

Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, ngay cả khi đã tính đến việc giảm giá, Nga vẫn bán dầu thô ở mức khoảng 70 USD/thùng - cao hơn giá chính thức trung bình trong 8 năm qua.

Con đường phía trước của EU

Trong khi đó, châu Âu đã đạt được những kết quả đáng ngạc nhiên trong việc chấm dứt sự phụ thuộc vào xăng dầu của Nga.

Theo Spire Global, từ tháng 5/2021-2/2022, trung bình mỗi tháng có 5 tàu chở dầu thô Nga đến các cảng của Đức.

Vào tháng 3, con số này giảm xuống còn hai. Và đến tháng Tư, đã không có tàu chở dầu nào của Nga cập cảng Đức.

Berlin đã thay thế toàn bộ lượng dầu nhập khẩu từ Nga trừ 12% theo đường ống đến nhà máy lọc dầu PCK Schwedt, cách Berlin khoảng 60 dặm về phía Đông Bắc. Nhà máy lọc dầu này thuộc sở hữu của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga.

Chính phủ Đức dự tính sẽ điều chỉnh luật để cho phép họ tịch thu cơ sở này. Sau đó, nó có thể thay thế dầu thô của Nga bằng các mặt hàng khác được cung cấp thông qua các đường ống Gdansk (Ba Lan) hoặc Rostock.

Nhưng để đạt được sự nhất trí trong khối đối với lệnh cấm vận, EU có thể sẽ áp dụng cơ chế linh hoạt cho 4 thành viên - Hungary, Romania, Czech và Slovakia - và thúc đẩy thời gian biểu cho các thành viên còn lại.

Các bộ trưởng ngoại giao G7 sẽ nhóm họp vào cuối tuần này để cân nhắc vấn đề trên. Nga sẽ đáp trả như thế nào hiện vẫn chưa rõ ràng.

Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, người từng là nhà phân tích của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết: “Chúng ta đang ở trong một trò chơi năng lượng ở thời điểm này. Điều gì sẽ xảy ra nếu người Nga nói: ‘Bạn không có đủ 12 tháng (để loại bỏ dần dầu của tôi)?’”.

(theo Washington Post)