Bán lẻ hiện đại sẽ bùng nổ và là động lực phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, năm 2014 được đánh giá là năm thị trường bán lẻ toàn cầu đang có những thay đổi rất cơ bản và mạnh mẽ, tạo ra một môi trường kinh doanh đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ cũng như rất nhiều cơ hội cho những ai thấu hiểu và điều chỉnh thành công chiến lược của mình.
Năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đầu năm 2014 đạt 2.145.470 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước chiếm 10,1% tổng số và tăng 8,4%; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 86,5%, tăng 11,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,4%, tăng 21,6%. Dự kiến cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013.
Tính đến hết năm 2013, cả nước có khoảng 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại và khoảng vài trăm cửa hàng tiện ích, gần 9.000 chợ các loại và khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Bà Loan cũng cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng năng động hơn, hội nhập hơn, thay đổi nhanh hơn với yêu cầu cao hơn, đa dạng hơn. Do đó, xu hướng của ngành bán lẻ đang có sự chuyển dịch từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh bán hàng hiện đại. Kênh bán hàng hiện đại gần đây chiếm tới 25%, trong khi trước đó, 100% là bán lẻ truyền thống. Bà Loan dự đoán bán lẻ hiện đại sẽ bùng nổ và là động lực phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam.
Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường phân phối bán lẻ tại Việt Nam đang bùng nổ các loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại lớn.
Năm 201,5 khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, một số tập đoàn bán lẻ lớn đang gia tăng thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư bán lẻ hoặc bắt đầu hoạt động tại Việt Nam như Walmart, Auchan, Robinson. Cơ hội còn nhiều nhưng để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trên sân nhà lại không dễ.
Ngoài ra, theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng khu vực miền Bắc Nielsen Việt Nam, việc phát triển các kênh bán lẻ hiện đại vẫn gặp nhiều trở ngại xuất phát từ thói quen mua sắm của người tiêu dùng, việc thiếu lòng tin giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, thiếu công cụ hỗ trợ, chưa tiện lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đối với các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, cũng thiếu sự chủ động và còn chưa chuyên nghiệp.
Ly Ly