📞

Ngành dệt may: Quay về nội địa

12:21 | 20/07/2009
Bộ Công Thương đang chỉ đạo ngành dệt may xây dựng ba đề án quan trọng nhằm tạo động lực phát triển ngành trong thời gian từ nay đến năm 2015 theo hướng nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ . Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho biết như vậy. Theo ông , mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, song ngành dệt may chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có.

Trong những tháng đầu năm, khi xuất khẩu dệt may gặp khó khăn do một số thị trường chủ lực thu hẹp do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, như Mỹ, Nhật Bản, EU, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng quay về thị trường nội địa.Tuy nhiên, chiếm lĩnh thị trường nội địa không đơn giản bởi hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may của Việt Nam còn thấp, tính sáng tạo chưa cao và mẫu mã, màu sắc còn đơn điệu. Hiện nay, Bộ Công thương đang chỉ đạo ngành dệt may thực hiện 3 đề án quan trọng. Đề án thứ nhất là sản xuất 1 tỉ mét vải từ nay đến 2015 phục vụ xuất khẩu. Thứ hai là phát triển vùng bông chuyên canh  và cuối cùng là Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may. Ba đề án trên là bài toán khó, ngay cả mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 tỉ lệ nội địa hóa dệt may đạt khoảng 65-70% cũng rất khó vì công nghiệp phụ trợ, rồi xây dựng vùng chuyên canh đang gặp nhiều vướng mắc, trong khi yếu tố gia công lại chi phối quá nhiều.Mặc dù vậy, một số công ty Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư thay đổi cách làm, sáng tạo ra nhiều sản phẩm may mặc có hàm lượng chất xám cao được người tiêu dùng chấp nhận ví dụ như Việt Tiến, Nino Maxx, Foci…Trên thực tế, chỉ có một số ít công ty là chủ động được nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, chẳng hạn như Dệt Thành Công.Trong lĩnh vực dệt may, dệt kim có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, khoảng trên 70%.  Nhìn chung, các ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn quá yếu so với nhu cầu thực tế., tính liên kết giữa các bên liên quan còn rất yếu, sự ổn định kém, nhiều đơn vị chưa có chiến lược dài hạn.Ông Khu thừa nhận việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày của Việt Nam vẫn là bài toán chưa có lời giải.Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam thường nắm được giá trị thặng dư rất cao trong chuỗi giá trị, bởi vì họ có thương hiệu mạnh, cách làm chuyên nghiệp. Trong sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt xấp xỉ 4,1 tỉ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Để bù lại, thị trường dệt may nội địa có sự tăng trưởng khá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với mức lợi nhuận tăng 48% trong sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ 2008.     Xuân Cúc (g/t)