📞

Ngành dệt may “vượt bão” thành công

07:53 | 15/11/2009
“Hơn một năm qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nỗ lực cạnh tranh để giành lấy phần thị trường xuất khẩu đang bị co hẹp, đồng thời đẩy mạnh việc chiếm lĩnh thị trường nội địa”. Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đây là chiến lược hành động mà hầu hết các doanh nghiệp dệt may thực hiện và cơ bản đã thành công.
Công nhân nữ đang làm việc tại nhà máy của Công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex).
“Hơn một năm qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nỗ lực cạnh tranh để giành lấy phần thị trường xuất khẩu đang bị co hẹp, đồng thời đẩy mạnh việc chiếm lĩnh thị trường nội địa”. Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đây là chiến lược hành động mà hầu hết các doanh nghiệp dệt may thực hiện và cơ bản đã thành công.  

Xuất khẩu đạt 9,2 tỉ USD

 

Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến sức mua tại hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của ngành dệt may như Mỹ, EU, Nhật... bị sụt giảm tới trên hai con số. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã cố gắng chia sẻ và đồng hành cùng các nhà nhập khẩu trong việc xác định lại cơ cấu giá cả trên cơ sở vẫn giữ vững chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng như tuân thủ quy chế mới về an toàn cho người tiêu dùng. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu giảm thấp. Riêng thị trường Nhật Bản, thông qua Hiệp định Hợp tác Kinh tế Việt - Nhật EPA, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại với đối tác. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này không những không sụt giảm mà còn tăng trưởng mạnh. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 12% và 9 tháng đầu năm 2009 tăng 15,3 %.

 

Bên cạnh ba thị trường lớn đó, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực thâm nhập thị trường mới với tinh thần “năng nhặt chặt bị”. Vì thế, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc tăng 50%, vào Saudi Arabia tăng 23%, vào Thụy Sĩ tăng 12,7%, vào các nước ASEAN tăng 7,8%... Với những nỗ lực trên của ngành, kim ngạch xuất khẩu tuy có giảm nhẹ 1% so với năm trước nhưng với mức 6,7 tỉ USD trong 9 tháng và dự kiến 9,2 tỉ USD năm nay, dệt may đã trở thành ngành kinh tế xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

 

Hướng nội

 

Tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đã tập trung đổi mới toàn diện chiến lược phục vụ cho người tiêu dùng, đặc biệt đầu tư mạnh hơn vào nghiên cứu thị trường, thị hiếu, tăng cường công tác thiết kế thời trang và sản phẩm mới. Từ đó, các doanh nghiệp tổ chức dây chuyền sản xuất chuyên biệt phù hợp với thị trường nội địa, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị tại các thành phố lớn kết hợp với chương trình đưa hàng về nông thôn và tăng uy tín thương hiệu. Đây là những cố gắng trong việc thực hiện chiến lược lấy nội địa làm thị trường cơ bản để tồn tại và vượt qua suy thoái của nhiều doanh nghiệp. Vì thế, trong 9 tháng qua, tiêu thụ nội địa tăng trưởng trên 18%.

 

Số lượng doanh nghiệp đầu tư và thành công tại thị trường nội địa ngày càng gia tăng. Tổng Công ty Phong Phú với kim ngạch tiêu thụ nội địa trên 1.500 tỉ. Hệ thống bán lẻ Vinatex Mart đã đạt gần 1.000 tỉ, Dệt Việt Thắng 650 tỉ, May Việt Tiến 460 tỉ... là những đơn vị tiêu thụ nội địa có quy mô lớn nhất trong ngành. Rất nhiều đơn vị mà thương hiệu sản phẩm và hệ thống cửa hàng của họ đã lan tỏa khắp nước như Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng, Thái Tuấn, An Phước, Sanding, Foci, Vera, Wow, F House, Nino Maxx... Nhiều thương hiệu cao cấp như Sanciaro, Mantana, M10, N&M... đang xuất hiện cùng với những thương hiệu nổi tiếng thế giới tại thị trường Hà Nội và TP. HCM.

 

Tạo sự khác biệt

 

Các doanh nghiệp cũng xem việc nghiên cứu sản xuất và tung ra thị trường những sản phẩm có tính khác biệt cao như là một yếu tố để tăng hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh sự khác biệt về kiểu dáng và thiết kế thời trang, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tạo sự khác biệt sâu hơn về công năng sản phẩm. Điển hình như vải chống cháy, quần áo và khẩu trang chống virus của Co Mo, sản phẩm chống nhăn của của Việt Thắng, sợi và vải chống tĩnh điện, chống UV của Dệt Thành Công, vải mành sản xuất vỏ xe du lịch của Dệt Công nghiệp Hà Nội, áo quần chống nhiễm từ của May Đồng Nai... Một số doanh nghiệp khác lại đầu tư sản xuất nguyên liệu và sản phẩm thân thiện môi trường như khăn sợi tre của Gia dụng Phong Phú, sản phẩm tơ tằm nhuộm bằng cây lá thiên nhiên của Toàn Thịnh...

 

Cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay đang có dấu hiệu suy giảm. Kinh tế thế giới và đặc biệt là kinh tế nước ta đang hồi phục và tăng trưởng. Có thể khẳng định các doanh nghiệp ngành dệt may đã “vượt bão” thành công và đang có những bước chuẩn bị tích cực cho thời kỳ đầu tư phát triển trong tương lai.

 

Trâm Anh