Là ngành hàng thiết yếu trong đời sống nên nhu cầu thị trường may mặc có thể phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19. |
Dệt may là ngành công nghiệp quan trọng đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chỉ sau nhóm hàng điện thoại.
Đối diện “cú sốc kép”
Khi đại dịch Covid-19 càn quét cũng là lúc ngành này đối mặt với hai cú sốc. Cú sốc đầu tiên đến từ tháng Giêng, khi dịch mới bùng phát, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị đứt nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Cú sốc thứ hai vào tháng Ba, khi nguồn cung được nối lại thì cũng là lúc dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản (những thị trường chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu), thị trường gần như đóng băng, đơn hàng bị đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu toàn ngành trong quý I/2020 đạt 8,4 tỷ USD, giảm 2,02% so với cùng kỳ 2019. Riêng tháng Ba, con số này giảm 7,42%. Gần như 100% đơn vị trong tập đoàn thiếu việc làm trong tháng Tư và tháng Năm với tỷ lệ từ 30-70% công suất.
Thống kê cho thấy, để giảm rủi ro, khoảng 70-80% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng Ba, Tư và dự kiến là cả tháng Năm. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, một số doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động và 50.000 công nhân không có lương. Theo dự tính, dịch Covid-19 có thể khiến ngành dệt may chịu thiệt hại lên tới 11.000 tỷ đồng.
Dù dịch Covid-19 tại châu Âu đã qua giai đoạn căng thẳng nhất, song các nước vẫn tiếp tục duy trì biện pháp giãn cách xã hội, dẫn đến các đơn hàng tiếp tục bị hoãn, trong khi đơn hàng mới gần như không có. Những đơn hàng bị hoãn phần lớn là cho dịp Xuân-Hè. Nếu dịch được kiểm soát thì thời tiết đã sang Thu nên khả năng cao đơn hàng hoãn này sẽ trở thành hủy, thời gian hoãn hợp đồng cũng kéo dài ba đến sáu tháng.
Ngay khi dịch bùng phát, các phương án ứng phó để tồn tại đã được Vinatex đưa ra và tự thân doanh nghiệp chủ động chuyển hướng. Trước mắt, doanh nghiệp xác định giải quyết nhanh, gọn đơn hàng chưa bị hủy, tập trung thị trường nội địa và sản xuất mặt hàng phòng dịch.
Riêng sản xuất mặt hàng phòng dịch, nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy một số cơ hội ở các thị trường ngách như: sản xuất khẩu trang vải, quần áo bảo hộ chuyên dụng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Ngay thời điểm dịch, vào tháng Hai, Vinatex và các doanh nghiệp trong hệ thống đã chuyển đổi sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn để sản xuất, cung ứng hàng trăm nghìn khẩu trang. Cuối tháng Ba, các doanh nghiệp tiếp tục đưa ra thị trường dòng sản phẩm mới - khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp. Ngoài ra, Vinatex cũng sản xuất quần áo bảo hộ sau khi Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn, công suất dự kiến khoảng 50.000 bộ/ngày.
Hiện hệ thống của Vinatex đã cung ứng cho thị trường trong nước khoảng 80 triệu chiếc khẩu trang. Thống kê ban đầu cho thấy tính đến giữa tháng 4/2020, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam là gần 416 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD. Việc sản xuất khẩu trang hiện tại đang giúp Vinatex giải quyết việc làm cho 20% lao động thiếu việc.
Ngoài ra, trên tinh thần không sa thải người lao động, doanh nghiệp cũng đã đàm phán để người lao động hiểu, chia sẻ, từ đó giảm giờ làm, nghỉ luân phiên. Doanh nghiệp tận dụng thời gian để tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn, chuẩn bị hành trang sẵn sàng bắt tay vào lao động sản xuất ngay khi tan dịch.
Cùng nhau vượt khó
Trước thực trạng khó khăn, Vinatex, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và cả ở cấp cao hơn là Bộ Công Thương đã gửi các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đề nghị có các giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn tài chính để trả lương cho người lao động; miễn, giảm các khoản thuế, phí; đề nghị ngân hàng ân hạn các khoản vay; gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng…
Ở góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng, nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và dịch bệnh Covid-19 được khống chế, chắc chắn sẽ cứu ngành dệt may thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay.
Dự kiến, sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp tháng Năm này, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU được dự báo sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với khi không có Hiệp định.
Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may mỗi năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới (chiếm 34%), trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm khoảng 2,7%. Như vậy, dư địa để dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào EU sau khi EVFTA có hiệu lực là rất triển vọng.
Mặt khác, hàng may mặc được xem là hàng tiêu dùng tương đối thiết yếu trong đời sống hằng ngày, nên nhu cầu của thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, năm 2020, doanh nghiệp cố tồn tại thì được coi là thắng và sẽ vượt “vũ môn” thời gian tới.