Hội nghị cơ cấu lại thị trường khách du lịch nhằm đánh giá lại thực trạng hoạt động của du lịch cùng với nhận diện những thách thức, khó khăn; tìm kiếm cơ hội song song với chuẩn bị sẵn sàng cho sự bứt phá hậu Covid-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng. Từ năm 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng lượng khách luôn đạt 2 con số, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế nhanh nhất thế giới, lượng khách nội địa cũng tăng trưởng nhanh chóng (bình quân 56%). Năm 2019, ngành du lịch đã đóng góp 9,2% vào GDP đất nước.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hương Chi) |
Ngày 22/1/2020, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó những mục tiêu đặt ra về lượng khách, doanh thu, đóng góp của ngành du lịch vào GDP... cho thấy Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặt rất nhiều kỳ vọng vào ngành du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay, du lịch vẫn tiếp tục chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Theo dự báo, năm 2020 số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ sụt giảm khoảng 80%, khách du lịch nội địa giảm khoảng 50%, tổng thiệt hại đối với ngành du lịch khoảng 23 tỷ USD, trong đó 16 tỷ USD từ thị trường khách quốc tế.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh khó khăn cũng gợi mở những cơ hội mà ngành du lịch có thể nắm bắt để vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón khách du lịch quốc tế khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn.
Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã trình bày báo cáo đề dẫn về cơ cấu lại thị trường khách du lịch; đồng thời nghe các tham luận liên quan đến các vấn đề như: cơ cấu lại thị trường khách du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến quảng bá du lịch; ứng dụng số trong nghiên cứu thị trường xúc tiến quảng bá du lịch; phân tích xu hướng thị trường khách du lịch Việt Nam và kế hoạch hợp tác chuyển đổi số giữa Google với Tổng cục Du lịch.
Trên thực tế, hoạt động du lịch Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế và thách thức như: cơ cấu khách quốc tế phụ thuộc vào một số thị trường, nhiều rủi ro, chất lượng chưa cao, một số địa phương đang có tình trạng tăng trưởng khách Trung Quốc tỷ lệ nghịch với khách châu Âu, Nhật Bản. Tăng trưởng nóng của một số thị trường làm quá tải một số điểm đến, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, môi trường, ảnh hưởng việc đảm bảo thương hiệu, chất lượng dịch vụ du lịch quốc gia
Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm và thu hút khách du lịch chưa căn cứ trên nhu cầu thị trường, chưa xác định rõ ràng các phân khúc cần tập trung đẩy mạnh. Trong bối cảnh đại dịch, nhiều quốc gia có xu hướng khuyến khích công dân nước mình đi du lịch nội địa thay vì du lịch quốc tế, gây ra sự khó khăn trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam…
Bởi vậy, Tổng cục Du lịch đề xuất cơ cấu lại thị trường khách du lịch tập trung vào một số nhiệm vụ như sau: nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch, cơ chế chính sách, xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số trong phát triển thị trường khách du lịch, tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhắm sang cơ cấu thị trường mới…
Các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm, nghiên cứu và tiếp cận thị trường. (Ảnh: Hương Chi) |
Đa số các ý kiến tại Hội nghị đều cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ngành du lịch Việt Nam cn tập trung khai thác thị trường khách nội địa với những sản phẩm, dịch vụ và chính sách giá phù hợp. Khi dịch bệnh được đẩy lùi cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác trở lại các thị trường khách quốc tế trọng điểm, các thị trường khách quốc tế tiềm năng nhưng vẫn phải chú trọng thị trường khách du lịch nội địa. Đồng thời, với chất lượng đời sống của người dân Việt Nam ngày càng nâng cao như hiện nay việc thúc đẩy thị trường khách outbound cũng cần được quan tâm…
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao những đóng góp, chia sẻ cởi mở của các đại biểu; những ý kiến này sẽ được ghi nhận, chọn lọc để báo cáo tại hội nghị toàn quốc về du lịch sắp được tổ chức thời gian tới. Ông nhấn mạnh để thúc đẩy toàn ngành du lịch Việt Nam phát triển, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương đều cần thực hiện cơ cấu lại, từ đó tạo nên bức tranh tổng thể của cả nước phù hợp với bối cảnh mới.