Ngành Du lịch và Ngoại giao bàn để thí điểm mở cửa đón du khách quốc tế trong thời gian tới. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch- Đoàn Văn Việt và Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đồng chủ trì Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương và các Đại sứ, Tham tán cơ quan đại diện Việt Nam tại nhiều địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nga, Malaysia…
Ngành du lịch nỗ lực trở lại
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Hội nghị trực tuyến nhằm trao đổi thông tin, chính sách với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài với mong muốn các bên tiếp tục các hoạt động giới thiệu, truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế; chuẩn bị triển khai hiệu quả kế hoạch mở cửa thí điểm, tạo điều kiện cho khách quốc tế đi du lịch Phú Quốc.
Trong thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch luôn đề cao vai trò của các Bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao. Bộ cũng đánh giá cao vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều năm qua đã góp phần phát triển du lịch.
Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
Kế hoạch tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, tăng cường truyền thông, quảng bá đối với các thị trường quốc tế trọng điểm được xác định là mắt xích quan trọng để phục hồi thị trường quốc tế - thị trường có vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong cấu phần tổng thu du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam khá khả quan (30,4 triệu người đã tiêm, trong đó có 7,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vaccine), đặc biệt ở các trung tâm du lịch lớn: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang…. tỷ lệ cư dân tiêm chủng cao hơn (có nơi đã đạt trên 80%).
Mặc dù các địa phương, điểm đến, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng đón khách quốc tế quay trở lại nhưng vấn đề an toàn đang là một thách thức lớn đối với công tác phục hồi mở cửa trở lại.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đầu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chia sẻ, để mở lại đón khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng chính sách kích cầu phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao, xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn phù hợp với diễn biến tình hình và kết quả phòng chống dịch của Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Tổng cục Du lịch cũng đã xây dựng chủ đề và nội dung chiến dịch truyền thông trực tuyến về mở cửa du lịch Phú Quốc và Việt Nam đối với thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt mong muốn Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục kết nối du lịch Việt Nam với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế để sớm đưa khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam.
Bộ Ngoại giao luôn đồng hành phát triển du lịch
Tại Hội thảo, sau khi nghe các Đại sứ, Tham tán cơ quan đại diện Việt Nam tại nhiều địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm các nước về mở cửa lại du lịch, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cho rằng đây là thời điểm thích hợp và cần thiết để trao đổi phục hồi ngành du lịch, hướng tới mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra, đó là “vừa phòng chống dịch hiệu quả - vừa phát triển kinh tế”.
Thứ trưởng chia sẻ, năm 2021, với việc phê duyệt khẩn cấp và triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, nhiều nước đã kiềm chế được dịch bệnh, dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại, kinh tế được phục hồi.
Để tạo thuận lợi cho việc di chuyển qua biên giới, một số nước đã triển khai cấp Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine và thiết lập cơ chế công nhận lẫn nhau về giấy tờ này. Từ đó áp dụng các chương trình bong bóng du lịch để phục hồi sớm ngành du lịch, lữ hành sau hơn 1 năm đình trệ.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao từ Lãnh đạo cấp cao, từ các hoạt động ngoại giao trực tiếp cũng như trực tuyến của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, ngoại giao vaccine đã được thực hiện hết sức thần tốc, hiệu quả và đã đem lại những kết quả rõ rệt.
Cùng với đó, chiến dịch tiêm chủng cũng được đẩy nhanh với mục tiêu đến cuối năm 2021, ta có thể đạt trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, thời gian tới, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, không bị tụt hậu, trong đó có ngành du lịch, Việt Nam phải có cách tiếp cận mới, mạnh mẽ hơn trong việc nối lại hoạt động đi lại quốc tế, cạnh tranh hiệu quả với các thị trường du lịch khác trong và ngoài khu vực, đồng thời có chiến lược quảng bá cho một chương trình du lịch an toàn cho cả người dân và du khách.
Từ tình hình thực tế trên, Bộ Ngoại giao xác định trọng tâm công việc sắp tới là tiếp tục xây dựng, kiến nghị Đảng, Nhà nước các chính sách, cơ chế, thủ tục mở cửa an toàn, nối lại giao thương, đẩy mạnh phục hồi du lịch, với bốn biện pháp,
Thứ nhất, “an toàn” là yêu cầu đầu tiên nên việc mở cửa cần gắn với “hộ chiếu vaccine”, cơ chế công nhận, xác thực, kiểm soát loại giấy tờ này giữa các quốc gia.
Thứ hai, khi đạt được công nhận đối với hộ chiếu vaccine của ta với các nước, ta cần có chính sách ưu tiên cho đối tượng này bằng cách mở rộng mục đích nhập cảnh (không chỉ cho du khách mà còn cả đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài vào tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh, vào dự hội nghị, hội thảo, sự kiện quốc tế tổ chức tại Việt Nam).
Thứ ba, việc mở rộng đối tượng sẽ làm gia tăng nhu cầu nhập cảnh bằng các chuyến bay thương mại thường lệ, Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng lộ trình từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, trước mắt với tần suất thấp, từ một vài thị trường an toàn, có nhu cầu lớn, ưu tiên chuyên chở những người mang hộ chiếu vaccine vào Việt Nam để trình Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ tư, khi nguy cơ dịch bệnh vào Việt Nam theo người nhập cảnh được kiểm soát tốt hơn và đặc biệt là khi tỷ lệ tiêm chủng trong nước tăng lên thì các biện pháp y tế cũng sẽ được nới lỏng, giảm thời gian hoặc miễn cách ly tập trung, xét nghiệm để thu hút thêm du khách, tiến tới mở cửa hoàn toàn trong trạng thái bình thường mới.
Tất nhiên các biện pháp trên cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình quốc tế và tình hình dịch bệnh trên thế giới. Trên thế giới, những nước như Australia, Trung Quốc vẫn quản lý chặt chẽ việc xuất nhập cảnh, chưa cho phép khách du lịch nhập cảnh.
Đánh giá cao các đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về xúc tiến, quảng bá du lịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định, Bộ Ngoại giao đã và sẽ phối hợp rất chặt chẽ để triển khai thành công chương trình thí điểm đón du khách quốc tế nhập cảnh Phú Quốc.
Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng cường kết nối với các doanh nghiệp quốc tế để quảng bá hình ảnh của Việt Nam, đặc biệt là khi nhu cầu du lịch tăng trở lại sau một thời gian dài bị hạn chế đi lại, từ đó đưa ngành du lịch Việt Nam phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn, góp phần vào việc phục hồi kinh tế của đất nước trong tình hình mới.