Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam tạo ra một đường băng mà những quốc gia đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN luân phiên sau Việt Nam không thể thay đổi được. (Nguồn: VGP) |
Một năm nhiều thách thức
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong bối cảnh năm 2020 có nhiều thách thức rất lớn.
Thứ nhất, thách thức khách quan và bất ngờ, đó là dịch bệnh Covid-19, buộc Việt Nam phải tổ chức các cuộc họp trực tuyến thay vì họp trực tiếp như mọi năm. “Mà họp trực tuyến có nhiều điểm hạn chế hơn so với họp trực tiếp”, ông nói.
Thứ hai, năm 2020 là thời điểm cạnh tranh Mỹ - Trung đạt đến đỉnh cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Bản thân cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018 và 2019, cộng hưởng với dịch bệnh Covid-19, làm cho quan hệ hai cường quốc này ngày càng xấu đi và tác động tới toàn thế giới nói chung, khu vực nói riêng.
Thứ ba, là thách thức về nội khối vẫn còn tồn tại những khác biệt về chính trị-an ninh.
Thứ tư, bản thân ASEAN là một tập hợp lực lượng vẫn bị cho là lỏng lẻo, bị các cường quốc chi phối.
Sự bổ trợ giữa “gắn kết” và “chủ động thích ứng”
Theo ông Lê Văn Cương, trong bối cảnh khó khăn thách thức đó, thành công đầu tiên của Việt Nam đã đưa ra chủ đề cho ASEAN trong năm 2020 là “gắn kết và chủ động thích ứng”. Hai vế “gắn kết” và “chủ động thích ứng” có quan hệ chặt chẽ, bổ trợ nhau.
“Chủ động thích ứng là gì? Là tình hình thế giới đang thay đổi ngổn ngang tác động lên mỗi nước và yêu cầu bản thân ASEAN phải thích ứng với điều đó. Nếu không thích ứng thì sẽ bị lịch sử gạt ra bên ngoài và bị thua thiệt. Nhưng ngược lại nếu muốn thích ứng thì lại phải đoàn kết, phải gắn kết với nhau”, ông Cương nói.
“Vì vậy có thể nói công của Việt Nam bắt đầu từ việc đưa ra chủ đề thích hợp cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Chủ đề này đã phản ánh được những vấn đề đặt ra đối với ASEAN trong năm 2020 cần phải được giải quyết”.
Trí tuệ và bản lĩnh ngoại giao
Thành công thứ hai, ông Lê Văn Cương cho rằng, đó là dù các hội nghị, hội thảo được tổ chức trong điều kiện trực tuyến, nhưng Việt Nam đã đưa ra được các vấn đề thảo luận ở tất cả các cấp mà mà không có trở ngại nào.
Ông nói: “Điều đó cho thấy trí tuệ bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam. Chúng ta hiểu mình, hiểu các nước ASEAN và hiểu thế giới. Có như vậy chúng ta mới đưa ra được những nội dung thuyết phục được 9 nước ASEAN còn lại cùng đồng lòng với Việt Nam để đưa ra Tuyên bố chung. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã hội tụ được tư duy và sức mạnh của ASEAN”.
“Kết quả này có giá trị ở chỗ tạo ra một đường băng mà những quốc gia đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN luân phiên sau Việt Nam không thể thay đổi được. Việt Nam đã tạo ra một cơ sở để kết nối và thích ứng và các nước Chủ tịch luân phiên sau này không thể đảo ngược, chỉ có thể bổ sung và phát triển thêm”.
“Đường băng”, theo ông Cương, đó là những vấn đề nhận thức chung về những vấn đề của thời đại của thế giới và những vấn đề mà khu vực đang phải đối mặt cùng những thách thức, thuận lợi cũng như phương thức để vượt qua.
Nâng tầm ASEAN
Thành công thứ ba, theo ông Lê Văn Cương, thông qua những hoạt động của ASEAN trong năm 2020, với tất cả những Tuyên bố được đưa ra, ASEAN đã tỏ thái độ rõ ràng đối với những vấn đề trọng đại của thế giới.
Năm nay cũng là năm Liên hợp quốc dành sự quan tâm nhiều nhất đến ASEAN. Bởi vì khi một tổ chức khu vực có một tiếng nói lớn, thống nhất, mang tầm vóc toàn cầu, góp phần vào thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác thì chắc chắn được cộng đồng quốc tế đón nhận. Những thành công này của ASEAN đã nâng cao vai trò vị thế của ASEAN trên trường quốc tế, đặc biệt trên diễn đàn LHQ. Và chính Việt Nam với nỗ lực của mình đã góp phần vào thành công của ASEAN trong năm 2020.
“Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 đã đánh dấu bước trưởng thành, vững chắc về mặt nội khối của ASEAN, qua đó nâng cao vai trò vị thế của tổ chức này trên trường quốc tế, và buộc các cường quốc phải tôn trọng và có chính sách, thái độ thích hợp với ASEAN”, ông Cương nói.
Nâng cao vị thế đất nước
Thành công thứ tư, theo ông Lê Văn Cương, đối với Việt Nam, thông qua vai trò dẫn dắt, Việt Nam cũng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong ASEAN, đồng thời nâng tầm vị thế của đất nước đối với các nước quốc trên thế giới.
“Thành công trong việc điều hành các vấn đề khối trong một năm; cộng với những lần tổ chức Diễn đàn APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018, chủ nhà của thượng đỉnh Mỹ- Triều năm 2019 trước đây, Việt Nam đã chứng tỏ có đủ bản lĩnh, trí tuệ và cơ sở vật chất để tổ chức các sự kiện lớn của quốc tế ở trình độ cao cả về nội dung cũng như hình thức tổ chức.
Điều này giúp nâng cao vị thế, sự tin tưởng của bạn bè quốc tế vào Việt Nam, tạo nên sức mạnh ở ngoài đất nước của Việt Nam, sức mạnh lòng tin của cộng đồng quốc tế, sức mạnh của thời đại”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
| Những cơ hội mở ra cho tương lai nền giáo dục ASEAN TGVN. Hội nhập và hợp tác giáo dục sẽ tạo nên sức mạnh để thay đổi, thích ứng với tương lai hoàn toàn mới của ... |
| ASEAN 2020: Kỳ tích đáng tự hào TGVN. Nhìn lại thành công của năm ASEAN 2020, tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện một cách toàn diện, ... |
| Gắn kết và chủ động thích ứng – bài học đồng hành với ASEAN trong những năm tiếp theo TGVN. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, tinh thần ‘gắn kết và chủ động thích ứng’ là bài học của quá khứ hơn ... |