Tổng thống Mỹ lên án mạnh mẽ tình trạng 'phân biệt chủng tộc có tính hệ thống và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng'. (Nguồn: AP) |
Trong tuyên bố nhân Ngày quốc tế Xóa bỏ phân biệt chủng tộc (21/3), Tổng thống Biden thừa nhận, nước Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bản địa bài ngoại.
Ông Biden nhấn mạnh, sự thù hận không thể có chỗ đứng ở Mỹ cũng như ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đồng thời kêu gọi nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng thù hận và phân biệt.
Ông chủ Nhà Trắng cam kết thay đổi các luật hiện hành ở Mỹ vốn được cho là "dung túng" tình trạng phân biệt đối xử.
Tuyên bố của Tổng thống Biden được đưa ra trong bối cảnh giới chức thực thi pháp luật ở Mỹ đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng liên quan cách xử lý loạt vụ xả súng hồi tuần trước ở thành phố Atlanta, bang Georgia. Với 6 trên tổng số 8 nạn nhân là phụ nữ gốc châu Á, các vụ xả súng đã gây chấn động mạnh với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á.
Trước đó, ngày 19/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có bài diễn văn về lịch sử phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người gốc châu Á ở Mỹ, trong đó cảnh báo nạn phân biệt chủng tộc, bài ngoại và phân biệt giới tính "là có thật ở Mỹ và nó luôn hiện hữu". Bà Harris là nữ phó tổng thống gốc Á đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Loạt vụ tấn công xảy ra ngày 16/3 tại 3 tiệm massage khác nhau ở thành phố Atlanta, trong đó đa số nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ gốc Á, đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á trong thời gian gần đây.
Nghi phạm trong vụ xả súng được xác định là Robert Aaron Long, một công dân da trắng 21 tuổi. Long bị cáo buộc 8 tội danh giết người. Tuy nhiên, người này phủ nhận thực hiện hành vi phạm tội với động cơ phân biệt chủng tộc.
Tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc châu Á tại Mỹ được cho là gia tăng trong thời gian đại dịch Covid-19. Riêng trong năm 2020, đã có gần 3.800 vụ việc chống người gốc châu Á.
Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, công bố ngày 16/3, chưa đầy một năm kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, trung tâm này đã tiếp nhận báo cáo về 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương trên toàn nước Mỹ.
Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân.
Cùng ngày 21/3, hàng nghìn người Mỹ đã xuống đường tuần hành để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á.
Các cuộc tuần hành diễn ra rầm rộ ở nhiều thành phố lớn ở Mỹ, trong đó có Atlanta - nơi xảy ra vụ xả súng, New York và Washington. Tại Canada, hàng trăm người ở thành phố Montreal cũng tham gia tuần hành với mục đích tương tự.