📞

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám

11:02 | 20/08/2015
Đánh giá về thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đã nhấn mạnh một trong những nhân tố quyết định cho thắng lợi lịch sử này là nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Xin ông cho biết Cách mạng tháng Tám 1945 thành công có ý nghĩa gì đối với hoạt động đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ?

Khi Thế chiến II kết thúc, mặc dù thế giới đang hết sức chú ý đến chuyện phát xít Đức, Nhật đầu hàng, nhưng sự kiện Việt Nam làm cách mạng thành công nhờ chớp được thời cơ quốc tế thuận lợi đã trở thành tấm gương cho các dân tộc đang bị áp bức trên thế giới khi đó noi theo.

Chính Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng của Việt Nam đã đoán trước thời cơ khách quan thuận lợi của thế giới, đó là Thế chiến II kết thúc, phe Đồng minh thắng trận, chủ nghĩa phát xít bị đánh bại. Nhờ đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho thời cơ đó, Việt Nam đã giành được thắng lợi một cách nhanh chóng và triệt để trong Cách mạng tháng Tám 1945. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau đó đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng và là một sự kiện có nhiều ý nghĩa về mặt đối ngoại.

Thứ nhất, với thành công của Cách mạng tháng Tám, Việt Nam đã trở thành một tấm gương của một dân tộc biết đấu tranh và giành được độc lập cho mình, biết lượng sức mình và biết dựa vào sức mạnh chủ quan của dân tộc, nhưng lại tận dụng được tối đa điều kiện quốc tế thuận lợi.

Thứ hai, Việt Nam đã biết tận dụng sự giúp đỡ của quốc tế trong tiến hành cuộc Cách mạng. Đó là việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã đứng về phía quân Đồng minh để chống phát xít Nhật. Cụ thể là Hồ Chủ tịch đã chủ động liên hệ với lực lượng Đồng minh (đứng đầu là Mỹ) để yêu cầu trợ giúp xây dựng đội quân vũ trang cho Việt Nam, với đầy đủ vũ khí, trang bị, chiến thuật nhằm hỗ trợ cho lực lượng chính trị đấu tranh giành chính quyền.

Ý nghĩa thứ ba là chúng ta không chỉ nhanh chóng trong giành chính quyền mà còn vô cùng khẩn trương tuyên bố độc lập để đóng vai trò chủ nhân của một đất nước có chính quyền, đứng ra đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp quân phát xít khi Thế chiến II kết thúc. Điều này cho thấy sự nhạy bén của Đảng và Bác Hồ trong việc thể hiện mong muốn Việt Nam có một vị thế bình đẳng với các nước trên thế giới, chỉ sau khi chúng ta giành chính quyền vài ngày.

Ông đánh giá như thế nào về ngoại giao Hồ Chí Minh giai đoạn này?

Điểm nổi bật nhất trong ngoại giao của Đảng và Hồ Chí Minh giai đoạn này là chủ động đặt quan hệ ngoại giao với Mỹ trong bối cảnh chúng ta chưa nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào trên thế giới. Thời điểm đó, có ý kiến cho rằng, Việt Nam đứng về phe dân chủ thì phải có Liên Xô giúp. Nhưng, khi đó Liên Xô chưa quan tâm đến chiến trường châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc thì đang bận đối phó với Quốc Dân Đảng và Tưởng Giới Thạch. Cách mạng Trung Quốc cũng chưa thành công nên chúng ta không thể trông mong vào sự hỗ trợ của Cách mạng Trung Quốc. Lúc này, Pháp lại vừa bị Nhật lật đổ bằng cuộc đảo chính ngày 9/3/1945. Do vậy, chúng ta cũng không thể trông đợi gì ở lực lượng Cách mạng Pháp tiến bộ. Phát xít Nhật khi đó đã trở thành kẻ thù… Nhìn đi, nhìn lại, không có một lực lượng nào có đủ sức mạnh để giúp chúng ta, khi mà thực lực của Cách mạng Việt Nam còn rất nhỏ bé.

Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã biến ý tưởng táo bạo thành hành động cụ thể khi trực tiếp đưa viên Trung úy phi công Mỹ William Shaw (máy bay bị phát xít Nhật bắn rơi ở Cao Bằng) sang Vân Nam giao cho phe Đồng minh là Mỹ. Hồ Chí Minh muốn khẳng định với Mỹ rằng, trong thời điểm đó, trên đất nước Việt Nam chỉ có Mặt trận Việt Minh mới đủ năng lực phối hợp với Mỹ để đánh đuổi phát xít Nhật.

Sự kiện này thể hiện phong thái ngoại giao rất chủ động, rất chi tiết và có tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh khi một vị lãnh tụ của một phong trào cách mạng đích thân dẫn một viên phi công Mỹ đi bộ từ Việt Nam sang Trung Quốc để tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với Mỹ.

Với thiện chí này, Mỹ nhận thấy đây chính là cơ hội để tiếp tục sự hiện diện sâu hơn của mình tại Đông Dương, đặc biệt là sau khi Pháp đã bị Nhật lật đổ, Mỹ mất đi một nguồn tin tình báo quan trọng về động thái của quân Nhật tại chiến trường này. Đây chính là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Vì thế, Mỹ đã đồng ý hỗ trợ Việt Minh về vũ khí, kỹ thuật, điện đài và huấn luyện quân sự để đổi lại việc Mặt trận Việt Minh cung cấp các thông tin về quân Nhật tại đây.

Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam rất tích cực bằng hàng loạt các chuyến máy bay vận tải khí tài hạ cánh xuống Tuyên Quang và cho toán sĩ quan tình báo Con Nai nhảy dù xuống căn cứ địa Việt Bắc, giúp Mặt trận Việt Minh huấn luyện đội quân vũ trang. Đỉnh cao của sự hợp tác này là sự ra đời của đơn vị vũ trang hỗn hợp Việt – Mỹ, có thời điểm lên đến 200 người. Ngày 17/8, đơn vị này đã xuất phát hành quân về giải phóng thị xã Thái Nguyên và theo Hồ Chí Minh về Hà Nội, chứng kiến sự ra đời của nước Việt Nam DCCH trong ngày 2/9/1945 lịch sử.

Trong thời gian hợp tác với Mỹ, Hồ Chí Minh đã đề nghị Mỹ cung cấp bản sao Tuyên ngôn độc lập của Mỹ để trên cơ sở đó viết nên bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi soạn thảo xong bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã đưa dự thảo này cho Thiếu tá Martin – thuộc Cơ quan Công tác Chiến thuật OSS của Mỹ đọc và nhờ góp ý. Đây là biểu hiện tinh tế trong ngoại giao Hồ Chí Minh khi tham khảo ý kiến của những người mà Người cho rằng khó có thể hợp tác lâu dài tại thời điểm đó khi gián tiếp khẳng định với Mỹ rằng, Việt Nam mong muốn độc lập, tự do và sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam DCCH ra đời, nhưng không có một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Khi đó, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đường hướng ngoại giao là kêu gọi nhân dân và chính phủ các nước trên thế giới ủng hộ Việt Nam. Cụ thể, Người đã viết thư cho Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, rằng với tư cách là một cường quốc trên thế giới, Mỹ hãy ngăn chặn Pháp xâm lược trở lại đối với Việt Nam, để dân tộc Việt Nam có cơ hội hưởng tự do và hạnh phúc. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi cơ hội để nâng cao vị thế cho đất nước và tranh thủ mọi lực lượng bên ngoài để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh đối với Việt Nam.

Khi vừa ra đời, nước Việt Nam DCCH đã phải đối mặt với những khó khăn tưởng như không thể vượt qua. Theo ông, phương cách nào đã giúp Hồ Chí Minh lèo lái con thuyền đất nước vượt qua khó khăn?

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Hồ Chí Minh đã hết sức khôn khéo khi không gây xung đột với quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật – mà cụ thể ở đây là quân Tưởng – với lực lượng gấp 40 lần quân đội Việt Minh. Chủ trương nhất quán của Đảng và Bác Hồ trong tình thế này là tránh xung đột, giao thiệp thân thiện, dù quân Tưởng công khai mục tiêu “diệt Cộng, cầm Hồ” để lập nên một chính phủ thân Tưởng.

Đảng và Hồ Chí Minh đã nhân nhượng tối đa và quán triệt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đối phó với quân Tưởng – tức là mọi sự có thể nhân nhượng, trao đổi được, trừ chủ quyền của đất nước. Trên thực tế, ta đã nhượng bộ quân Tưởng tất cả những gì có thể, nhưng Tưởng không tìm được cớ nào để thực hiện được ý định “diệt Cộng, cầm Hồ” của chúng. Có thể nói, đó là phương thức ngoại giao vô cùng khôn khéo trong bối cảnh có 200.000 quân Tưởng ở miền Bắc Việt Nam.

Đến khi quân Pháp ra Bắc thế chân quân Tưởng giải giáp quân đội Nhật theo Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 thì Việt Nam tiếp tục hòa hoãn với Pháp để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ hòa bình càng lâu càng tốt nhằm xây dựng thực lực cho một cuộc chiến lâu dài với Pháp.

Những bài học trong thực tiễn ngoại giao giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa như thế nào trong công tác đối ngoại giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Bài học đầu tiên là chúng ta phải chủ động trong mọi mối quan hệ, nhưng đồng thời phải cân nhắc trong mối quan hệ với từng nước. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao với các nước một cách chủ động, tuy nhiên, phải cân nhắc đến tính hiệu quả như cách Hồ Chí Minh chủ động đặt quan hệ với Mỹ để chuẩn bị thực lực cho chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.

Mặt khác, dù ở giai đoạn nào, chúng ta cần phải luôn quán triệt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh. Chúng ta kiên quyết bảo vệ yếu tố bất biến là độc lập, chủ quyền, nhưng phải mềm dẻo về mặt sách lược, về ngoại giao. Điều đó đặc biệt quan trọng trong giải quyết vấn đề biển đảo. Trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 5 năm 2014, chúng ta đã thành công trong chủ trương “dĩ bất biến, ứng vạn biến” khi không gây xung đột mà Trung Quốc vẫn phải rút.

Khánh Nguyễn (thực hiện)