Nghị định 18 có 5 Chương và 16 Điều, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2014 sau khi Nghị định 61/2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút chính thức hết hiệu lực. Nghị định 61/2002/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2002, sau hơn 10 năm thực hiện đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, những quy định không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. So với nghị định cũ, Nghị định 18 có nhiều điểm thay đổi mới.
Nghị định mới quy định rõ mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế-xã hội... Bên cạnh đó, Nghị định 18 bổ sung khung về khiếu nại, tố cáo đối với chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và khung nhuận bút chỉ quy định tối đa mà không quy định tối thiểu.
Nghị định nêu rõ, chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
Quy định về Quỹ nhuận bút đã mở rộng hơn như doanh thu từ hoạt động báo chí, nguồn hỗ trợ, tài trợ, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có)...
Đối với tác phẩm báo in, báo điện tử; nhuận bút, thù lao được bổ sung thêm với đối tượng hưởng tài liệu, người cung cấp thông tin, lãnh đạo, biên tập viên. Bổ sung thêm thể loại báo chí trực tuyến, media. Thể loại ký quy định đơn vị tính là kỳ báo. Bổ sung đối với người phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, tác giả bài viết tự thỏa thuận thù lao. Nhuận bút đối với báo nói, báo hình bổ sung thêm một số thể loại như tọa đàm, giao lưu...
Trà My