📞

Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024: Thêm điểm tựa để doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Linh Chi 18:09 | 17/03/2024
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 được ban hành ngay từ đầu năm thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với những khó khăn của doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Văn Đô)

Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết 02)?

Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết này nhằm khẳng định, môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết 01 nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương mờ nhạt, nhiều nơi không chú trọng thực hiện.

Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước; nhiều lĩnh vực rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn; môi trường kinh doanh chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Điều này tác động không nhỏ tới niềm tin và động lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Từ đó, nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngay trong những ngày đầu năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự trở lại của Nghị quyết số 02 như một niềm động viên, thêm điểm tựa củng cố tinh thần kinh doanh đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp tin rằng, Chính phủ đang cùng với các bộ, ngành và địa phương tìm kiếm những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về pháp lý và thực thi cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 02 là một chương trình riêng của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, được ban hành và thực hiện thường niên. Điều này thể hiện sự quan tâm, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Nghị quyết sẽ có sự theo dõi, giám sát và đôn đốc thường xuyên, từ đó, đòi hỏi và khuyến khích những thay đổi, cải cách theo chiều hướng tích cực.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế thường dẫn chiếu Nghị quyết 02 như một bằng chứng về việc Việt Nam nỗ lực cải cách thể chế. Như vậy, hình ảnh, vị thế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên các bảng xếp hạng của toàn cầu được nâng cao. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy thương mại quốc tế và thực hiện các thoả thuận theo các Hiệp định thương mại tự do.

Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 có vai trò thế nào với cộng đồng doanh nghiệp, thưa bà?

Sự trở lại của Nghị quyết 02 mang theo thông điệp rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết hướng tới giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, cả về quy định pháp lý, tổ chức thực thi và những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương gắn với những vấn đề rất cụ thể mà doanh nghiệp đang gặp phải. Có thể nói, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách môi trường kinh doanh dường như đã chạm đến những vấn đề mà doanh nghiệp đang rất trông chờ. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào việc tổ chức thực thi các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đề ra.

Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới cách thức quản lý nhà nước theo hướng đồng hành, hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó củng cố thêm “sức khỏe” và tạo điểm tựa cho doanh nghiệp trong nỗ lực tìm kiếm những động lực kinh doanh mới. Nghị quyết tạo cơ hội để doanh nghiệp giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời đóng góp ý kiến, chia sẻ vấn đề và đề xuất các kiến nghị liên quan.

Vậy theo bà, các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết cần làm gì để Nghị quyết thực sự có thể tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp?

Để thực thi Nghị quyết có hiệu quả, tôi cho rằng, sẽ có những nhân tố quyết định sau đây:

Thứ nhất, sự quan tâm, chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Điều quan trọng nhất là vai trò chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương gắn với sự chủ động, tích cực của người đứng đầu.

Thứ hai, để tạo động lực thì phải có áp lực và áp lực này chính là sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ về việc thực hiện các cải cách về môi trường kinh doanh.

Thứ ba, vai trò của các bên giám sát, đánh giá độc lập, theo dõi độc lập về việc triển khai của các bộ, ngành, địa phương và hiệu quả của việc triển khai đó.

Thứ tư, sự chủ động chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp. Theo tôi, cơ chế, chính sách có đi được vào cuộc sống hay không, có vướng mắc gì và có hiệu quả không thì cần phải có phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Đây là những đối tượng trực tiếp chịu tác động bởi chính sách và họ sẽ có những chia sẻ, kiến nghị phù hợp.

Cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào việc tổ chức thực thi các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 02 đã đề ra. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên cạnh sự chia sẻ, phía doanh nghiệp – đối tượng trực tiếp chịu tác động bởi nghị quyết - cần phải làm gì?

Nghị quyết 02 chính là Nghị quyết vì doanh nghiệp, cho doanh nghiệp và hướng tới giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình cải cách, vai trò chủ động của doanh nghiệp là không thể thiếu.

Trước tiên, bản thân mỗi doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, cập nhật thường xuyên các quy định pháp lý liên quan cũng như nắm bắt tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường và các yếu tố tác động tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, năng lực nội tại để linh hoạt và chủ động trước những thách thức, khó khăn khách quan không do yếu tố bất cập thể chế pháp lý và thực thi. Với những khó khăn do rào cản thể chế môi trường kinh doanh thì kịp thời phản ánh, chia sẻ và đóng góp ý kiến tới các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan hoạch định chính sách.

Đồng thời, trong quá trình cơ quan soạn thảo lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thì cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tham gia đóng góp. Tránh tình trạng khi cơ quan soạn thảo lấy ý kiến thì doanh nghiệp ít quan tâm, không chủ động góp ý; khi triển khai quy định gặp vướng mới phản ánh vấn đề.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp, liên kết với nhau, cùng nhận diện các vấn đề chung và đưa ra các kiến nghị để tạo sự đồng thuận trong thực hiện cải cách cũng như trong sửa đổi văn bản pháp lý liên quan.

Bà kỳ vọng thế nào về quá trình thực thi của Nghị quyết?

Cải cách là quá trình liên tục và nỗ lực cần được duy trì thường xuyên. Trong năm 2023 và hai tháng đầu năm 2024, có thể thấy, doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn và hơn lúc nào hết, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp.

Vì vậy, tôi kỳ vọng, các bộ, ngành, địa phương cần “vào cuộc” khẩn trương và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Người đứng đầu các cơ quan cần trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết; đồng thời, có cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá, giám sát quá trình triển khai thực hiện để tạo áp lực chuyển động cải cách thực chất. Có như vậy, Nghị quyết 02 mới tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Tại Nghị quyết 02, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.

1.Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư.

2. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.

5. Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.

6. Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.

7. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.