📞

Nghị sĩ trẻ - quan trọng là tăng về chất lượng

11:46 | 02/04/2015
Đó là nhận xét của đại biểu quốc hội, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh sau khi dự Diễn đàn Nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-132).
Ông Nguyễn Đắc Vinh trả lời phỏng vấn của TG&VN.

“Tôi không nắm chắc con số các đại biểu Quốc hội trẻ (dưới 30 tuổi) ở Việt Nam. Nhưng tôi có thể nói trong nhiều lĩnh vực họ đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng. Tuy nhiên, những nghị sĩ trẻ thường công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau và chưa giữ vị trí lãnh đạo. Vấn đề là làm sao để họ có được thông tin tổng thể hơn. Chúng ta cần phải có cơ chế hỗ trợ các nghị sĩ trẻ thu thập và xử lý thông tin, nhận diện vấn đề cho tốt để từ đó chuyển tải các vấn đề của giới trẻ cũng như đất nước trên diễn đàn Quốc hội một cách chất lượng hơn.

Tăng số lượng nghị sĩ trẻ không quan trọng bằng tăng chất lượng. Làm sao để anh em trẻ ngoài sự học hỏi để hình thành đội ngũ kế cận tốt thì vấn đề quan trọng là phải nâng cao vốn hiểu biểu, tăng cường kiến thức cũng như sự tham gia có chất lượng. Nhìn chung phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho lớp trẻ. Sự chuẩn bị này một mặt là trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết nhưng mặt khác, điều quan trọng là phải cho họ cơ hội trải nghiệm thực tiễn.

Sau khi trải qua một nhiệm kỳ, tôi thấy rằng thường ở đầu nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội trẻ còn ít kinh nghiệm nên ít tham gia đóng góp ý kiến. Nhưng càng về sau, sự tham gia của họ ngày càng chất lượng và sâu sắc hơn. Điều này cũng chứng tỏ chúng ta có môi trường tốt để đào tạo đại biểu trẻ.

Các vấn đề mà Diễn đàn Nghị sĩ trẻ thảo luận về chiến tranh mạng và quản trị nguồn nước là hai vấn đề mà hiện tại đang đặt ra và tương lai sẽ còn đặt ra. Chính giới trẻ sẽ là những người đối mặt và chính họ sẽ là người giải quyết vấn đề.

Đó cũng là những vấn đề mang tính toàn cầu, liên quan đến nhiều quốc gia nên một nước chẳng thể giải quyết được riêng lẻ. Với quản trị nguồn nước, nó không còn là vấn đề nằm trong phạm vi một quốc gia. Ví như một dòng sông chảy qua nhiều quốc gia thì thực sự cần phải có một cơ chế thảo luận đa quốc gia để từ đó đi đến sự thống nhất chung đảm bảo quyền lợi cho các nước. Nếu các quốc gia hành động riêng rẽ thì cũng gây khó khăn cho nước khác.

Với vấn đề chiến tranh mạng, nhiều khi tội phạm Internet ở quốc gia này có thể gây ra vấn đề ở quốc gia khác hoặc nhiều nước khác. Nếu các quốc gia không phối hợp và không có cơ chế thống nhất để giải quyết thì đây sẽ là vấn đề đe dọa đến nhiều quốc gia. Trong thảo luận, các đại biểu cho rằng phải nhận diện, định nghĩa chiến tranh mạng một cách đầy đủ, rõ ràng mới có chính sách phù hợp. Việt Nam cũng đã đưa ra một số kiến nghị. Trong đó, kiến nghị quan trọng nhất là các quốc gia cần cam kết không gây ra chiến tranh mạng với nhau. Thứ hai, bản thân từng quốc gia phải xây dựng được hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này để đảm bảo an ninh mạng. Các nước cũng phải thảo luận với nhau để tiến tới ký hiệp ước chung để đảm bảo an ninh mạng”.

Hoàng Kim (ghi)