📞

Nghĩa trang liệt sĩ ở Trường Sa

14:24 | 27/07/2015
Bên cạnh các doanh trại quân đội, những ngọn hải đăng, trạm dự báo thời tiết, khu vực dân sự, những ngôi chùa hướng về Hà Nội thì ở Trường Sa còn có mộ phần các liệt sĩ.
Nhiều chiến sĩ nằm lại trên quần đảo Trường Sa khi tuổi vừa đôi mươi (Ảnh: Nguyên Bảo)

Ở quần đảo Trường Sa có nhiều công trình mang ý nghĩa sâu sắc về chủ quyền cũng như giá trị tâm linh, trong đó có nghĩa trang liệt sĩ và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Thời bình, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số chiến sĩ đã hy sinh và an nghỉ ngay trên chính quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương Binh Liệt sĩ 27/7, xin trân trọng giới thiệu những hình ảnh về nghĩa trang liệt sĩ ở quần đảo Trường Sa do phóng viên TG&VN ghi lại:

Những ngôi mộ của các liệt sĩ nằm cạnh nhau trên đảo Nam Yết.

Bất kỳ đoàn công tác nào từ đất liền ra thăm đảo đều đến kính cẩn nghiêng mình, thắp hương viếng các liệt sĩ đã yên nghỉ trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ban thờ giản dị của một liệt sĩ trên đảo Nam Yết.

Liệt sĩ Đinh Thanh Bình sinh năm 1992, hy sinh và yên nghỉ tại đảo Nam Yết từ năm 2011, bên cạnh đồng chí đồng đội và biển cả quê hương.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được nhân dân Việt Nam, trong đó có cả kiều bào ở nước ngoài, góp công xây dựng trên đảo Trường Sa Lớn.

Nén hương của một đồng đội từ đất liền ra thăm quần đảo Trường Sa dành cho những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Bên cạnh việc luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, các chiến sĩ đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa còn chăm sóc mộ phần những đồng đội đã hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Mộ phần của một liệt sĩ hướng ra phía biển trên đảo Trường Sa Lớn.

Nhiều liệt sĩ, sau nhiều năm an nghỉ ở Trường Sa, đã được gia đình đưa về đất liền.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương – các anh đã sống, chiến đấu và nằm lại giữa lòng Trường Sa Lớn, trái tim của quần đảo Trường Sa.

“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải,ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh....Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu....Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy (Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Tổ chức Ngày Thương Binh Liệt sĩ đầu tiên, 27/7/1947).

Nguyên Bảo