Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tại Moscow, ngày 21/7. (Nguồn: AFP) |
Trả lời phóng vấn RT bên lề Diễn đàn Năng lượng hạt nhân quốc tế Atomexpo 2022 tại thành phố Sochi (Nga), Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh: “Rõ ràng, năng lượng hạt nhân là năng lượng rẻ nhất, an toàn và thân thiện với môi trường nhất.
Hungary có lợi ích quốc gia trong vấn đề này, đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục hợp tác với Tập đoàn năng lượng Rosatom để vận hành 2 lò phản ứng mới vào năm 2030”.
Trong tháng 8, Budapest đã cấp phép cho Tập đoàn năng lượng Rosatom (Nga) xây dựng 2 lò phản ứng để mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary. Dự án vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên EU.
Trước đó, ngày 18/11, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, "chính sách trừng phạt” của phương Tây đối với Nga khiến giá năng lượng tăng mạnh trên toàn EU, còn nền kinh tế Hungary thiệt hại 10 tỷ USD mỗi năm.
Theo ông Orban, áp lực lên ngân sách Hungary sẽ dẫn đến việc nước này phải cắt giảm chi tiêu xã hội.
Nền kinh tế Hungary chủ yếu phụ thuộc vào năng lượng của Nga và Budapest đã phản đối kế hoạch của EU cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Moscow.
Sau các cuộc đàm phán căng thẳng với EU, Hungary đã nhận được một số miễn trừ khỏi các hạn chế trên toàn khối đối với việc mua nhiên liệu hóa thạch của Nga.