📞

Ngoại giao để phát huy "tài nguyên" văn hóa

07:21 | 07/11/2015
Ngoại giao văn hóa cần và phải là một trong những hoạt động trọng tâm của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình, thân thiện và giàu tiềm năng...
Những giá trị văn hóa của Việt Nam cần được quảng bá ở tầm thông điệp. (nguồn: muctim.com.vn)

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Dự thảo Báo cáo) đã nêu phương hướng nhiệm vụ cho công tác đối ngoại trong giai đoạn mới la "Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hoá; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh".

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh hơn vai trò của ngoại giao văn hóa để "Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế", hợp với xu hướng của thời đại, đúng với "định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị" được Đảng đề ra trong Dự thảo Báo cáo.

Đây là điều được kế thừa và phát triển của một chủ trương xuyên suốt. Từ Đại hội lần thứ XI (1/2011), Đảng đã nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của việc phát triển ngoại giao văn hóa. Ngày 14/2/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, trong đó khẳng định: "Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam", đồng thời nêu yêu cầu nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa.

"Chất keo" gắn kết

Ngoại giao văn hóa có thể hiểu là việc vận dụng văn hóa để thực hiện tốt công tác ngoại giao, đồng thời sử dụng ngoại giao để tôn vinh văn hóa. Ngoại giao và văn hóa là hai lĩnh vực gắn bó chặt chẽ. Văn hóa vừa là nền tảng vừa là công cụ, mục tiêu cho các hoạt động ngoại giao. Ngoại giao góp phần tôn vinh và bảo vệ văn hóa. Sự kết hợp giữa nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa với nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước đã đưa ngoại giao văn hóa dần thực sự trở thành một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Trong quá trình thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, chúng ta đã đạt kết quả tích cực: Góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới; góp phần thu hút đầu tư, du lịch đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội; tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm thế giới phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển đất nước; tích cực bảo vệ quyền lợi, quan điểm về văn hóa của Việt Nam. Đồng thời, ngoại giao văn hóa đóng góp vào việc xây dựng các định hướng văn hóa, "luật chơi" chung trong lĩnh vực này tại diễn đàn văn hóa thế giới...

Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc hiện nay, văn hóa ngày càng được sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong hoạt động ngoại giao nhằm duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới thông qua việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Ngoại giao văn hóa góp phần khai thông, thậm chí tạo đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước và trong nhiều tình huống đã và sẽ là "chất keo" gắn kết nội dung văn hóa với các hoạt động chính trị và kinh tế đối ngoại của đất nước.

Sức hút từ giá trị văn hóa

Được coi là "Sức mạnh mềm của thế kỷ XXI", ngoại giao văn hóa giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại, thậm chí được xem là "then chốt của ngoại giao nhà nước" trong thế kỷ XXI của nhiều quốc gia. Trong "sức mạnh mềm" của một quốc gia có sức mạnh của văn hóa, thể chế xã hội và chính sách đối nội, đối ngoại... Sức mạnh đó thể hiện trước hết ở sức thu hút, sức hấp dẫn từ các giá trị văn hóa, bao gồm các giá trị vật chất (hay giá trị tự nhiên như phong cảnh, tài nguyên, môi trường…), giá trị tinh thần (hay giá trị nhân văn như văn hóa, đạo đức, tôn giáo…) và giá trị con người (phẩm chất và năng lực của người dân, đặc biệt là vai trò của vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu…).

Lợi thế này nếu biết phát huy tốt sẽ tạo nên "thương hiệu", tăng thêm uy tín quốc gia, tăng thêm sức hấp dẫn của quốc gia với thế giới, với các đối tác...

Việt Nam có nền văn hóa lâu đời với giá trị văn hóa tinh thần vô giá. Trước kia, khi Tổ quốc lâm nguy, "cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc", "lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm nền", "đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo", sẵn lòng mở đường hiếu sinh, cốt "dập tắt muôn đời chiến tranh, mở nền thái bình muôn thuở" (Nguyễn Trãi).

Trong thời hiện đại đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đã được cả nhân loại tiến bộ coi là biểu tượng của lương tâm, danh dự của thời đại - một dân tộc nhỏ dám kiên cường đương đầu, chống lại những thế lực xâm lược hùng mạnh vì các mục tiêu cao cả: độc lập dân tộc, dân chủ, nhân quyền.

Những giá trị đó cần tiếp tục được quảng bá, phát huy trong thời đại mới.

Cần quảng bá thông điệp

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới từng bước đưa văn hoá dân tộc ra ngoài giao lưu với văn hóa thế giới theo nghĩa hẹp. Cần phải thay đổi cách nghĩ đơn giản rằng ngoại giao văn hoá chỉ là đưa văn hóa truyền thống, văn nghệ, ca múa nhạc Việt Nam đi liên hoan, hội chợ..., cao hơn chút nữa là đưa vài bộ phim, đoàn nghệ sỹ ra nước ngoài. Những gì Việt Nam đưa ra thế giới vẫn như giữ nguyên quá khứ. Những điều sáng tạo, thành tựu mới của Việt Nam còn chưa được quảng bá. Nhiều Tuần lễ văn hóa Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài… dù được tích cực thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà ngoại giao có kinh nghiệm từng nêu vấn đề: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần phải đặt vấn đề quảng bá văn hóa quốc gia ở tầm thông điệp.

Đó là một ý kiến xác đáng. Thông điệp đó không chỉ là thông điệp về văn hoá quá khứ, truyền thống mà phải bao gồm cả văn hoá hiện đại, để có thể nêu bật cái hay, hấp dẫn, riêng biệt của văn hoá Việt Nam.

Để làm được như vậy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội hàm, vai trò của ngoại giao văn hóa trong đường lối ngoại giao toàn diện của Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức và đồng thuận xã hội về công tác này. Trên cơ sở đó, có thể tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách ngoại giao văn hóa trong tổng thể chính sách đối ngoại; hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại giao văn hóa (như thúc đẩy Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, thành lập Quỹ ngoại giao văn hóa...).

Nếu được phát huy bằng ngoại giao những "tài nguyên" văn hóa tiềm tàng của mình, Việt Nam còn có thể có thêm nhiều cơ hội tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế. Thông qua đó, hình ảnh Việt Nam trong con mắt của thế giới sẽ ngày càng được nâng cao và quảng bá với những ánh nhìn tốt đẹp.

TS. Ngô Vương Anh