Nhỏ Bình thường Lớn

Ngoại giao học giả: Kênh mới trong đối ngoại Việt Nam

Ngày nay, ngoại giao học giả, hay ngoại giao kênh II, đã trở thành nguồn cung cấp ý tưởng không thể tách rời của các diễn đàn đa phương ở khu vực, đồng thời trở thành một mũi nhọn trong mặt trận ngoại giao toàn diện của các nước chủ chốt.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ sáu, tháng 11/2014, tại Đà Nẵng.

Ngoại giao học giả là một hình thái ngoại giao mới phát triển trên thế giới từ nửa sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho đến nay. So với ngoại giao kênh I - kênh ngoại giao chính thức của Nhà nước với hình thức chủ yếu là đàm phán, thương lượng - ngoại giao kênh II có chủ thể là các chuyên gia, học giả, viện nghiên cứu (think-tanks), mang tính không chính thức, có mục tiêu thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, từ đó đề ra những ý tưởng, những khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ kênh I trong việc tăng cường hợp tác, xử lý xung đột, duy trì hòa bình, ổn định để phát triển.

Ngoại giao học giả ở Việt Nam có quá trình phát triển song hành với sự phát triển của ngoại giao học giả ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Mặc dù còn tương đối mới mẻ trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam nói chung, nhưng tầm quan trọng của ngoại giao học giả có xu hướng ngày càng tăng trong tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến đan xen, phức tạp và khó lường hiện nay. Mặc khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, ngoại giao học giả của Việt Nam đang đứng trước cơ hội cũng như yêu cầu phải hội nhập sâu sắc với nền ngoại giao học giả của khu vực và thế giới, vì những mục tiêu chung là hòa bình, phát triển và hợp tác.

Tại châu Á - Thái Bình Dương

Các hoạt động ngoại giao kênh II của giới chuyên gia, học giả ở Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương bắt đầu diễn ra sôi nổi vào thời điểm Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc trên phạm vi khu vực và thế giới. Sự hình thành Mạng lưới các Viện nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của ASEAN (ASEAN-ISIS) vào cuối thập kỷ 80 cũng như những đóng góp tích cực của ASEAN-ISIS vào quá trình đối thoại khu vực về vấn đề Campuchia và vấn đề hợp tác Đông Nam Á hậu Chiến tranh Lạnh là ví dụ sinh động về các hoạt động ngoại giao kênh II ở khu vực, dù còn ở mức sơ khai.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cùng với sự nở rộ của các thể chế ngoại giao đa phương ở khu vực như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS)…, các mạng lưới ngoại giao kênh II gắn liền với các diễn đàn đa phương nói trên cũng phát triển mạnh mẽ. Hoạt động sớm và sôi động nhất là Hội đồng hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) - kênh II của ARF. Cho đến nay, Hội đồng này bao gồm các viện nghiên cứu chiến lược chủ chốt của hầu hết các thành viên ARF, đã thành lập nhiều nhóm nghiên cứu, cố vấn về các vấn đề an ninh nổi trội của khu vực, và đệ trình nhiều Bản khuyến nghị chính sách (Memorandum) lên ARF.

Bên cạnh đó còn có các mạng lưới ngoại giao kênh II nổi bật khác như Hiệp hội các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC) – kênh II của APEC, Mạng lưới các Viện nghiên cứu chiến lược Đông Á (NEAT) – kênh II của ASEAN+3, Mạng lưới các Viện nghiên cứu chiến lược ASEAN và Trung Quốc (NACT) – kênh II của ASEAN+1 (Trung Quốc)…. ASEAN cũng đã thành lập Viện hòa bình và hòa giải ASEAN (AIPR), bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2013. Ngoài ra, các mạng lưới kênh II của các thể chế đa phương khác như ASEM, EAS… cũng đang trong quá trình định hình.

Đó là chưa kể đến các hoạt động kênh II song phương dày đặc giữa các viện chiến lược trong khu vực nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, dưới nhiều hình thức hoạt động đa dạng như đối thoại, diễn đàn, hội thảo… Đối với một số vấn đề an ninh nổi trội của khu vực như Biển Đông, Biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên…, đã có nhiều tiến trình hội thảo quốc tế được tổ chức nhằm trao đổi quan điểm, tìm kiếm giải pháp làm giảm căng thẳng và xử lý xung đột phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Các hoạt động ngoại giao học giả thời gian qua đã đóng góp tích cực vào quá trình đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa ở khu vực. Trải qua hai thập kỷ phát triển, các mạng lưới ngoại giao kênh II đang từng bước khẳng định vai trò là “túi khôn” của các diễn đàn đa phương ở khu vực, đóng góp trí tuệ vào việc xây dựng tầm nhìn dài hạn cho các diễn đàn, qua đó định hình cấu trúc khu vực vì hòa bình, ổn định và phát triển trong tương lai.

Sự tham gia của học giả Việt Nam

Song song với tiến trình đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, các học giả Việt Nam đã và đang tham gia ngày càng sâu vào các hoạt động ngoại giao kênh II ở khu vực. Có thể nói trong hàng ngũ, mặt trận ngoại giao hiện đại, ngoại giao học giả là một kênh mới, có tác dụng hỗ trợ cho kênh chính thức, phù hợp với phương châm đối ngoại toàn diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

Học viện Ngoại giao Việt Nam (tiền thân là Học viện Quan hệ Quốc tế), cơ quan nghiên cứu chiến lược ở Việt Nam được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động hợp tác, trao đổi học thuật với các viện, đại học, trung tâm nghiên cứu quốc tế, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ trong và ngoài nước, có vai trò là đầu mối tổ chức, tiến hành các hoạt động ngoại giao kênh II của Việt Nam. Hiện nay, Học viện Ngoại giao đã thiết lập quan hệ đối thoại với hàng chục viện nghiên cứu chiến lược của các nước đối tác chủ chốt, là thành viên của tất cả các mạng lưới ngoại giao kênh II của khu vực như ASEAN-ISIS, CSCAP, NEAT, ASCC… Học viện được cộng đồng học thuật quốc tế thừa nhận là một trong những think-tanks có uy tín hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Trải qua hai thập kỷ hoạt động ngoại giao kênh II chủ động và tích cực, Học viện Ngoại giao đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN-ISIS (2011-2012), đồng Chủ tọa Ủy ban điều hành CSCAP (2013-2015), đăng cai tổ chức Hội nghị các Trung tâm nghiên cứu APEC (2006) tại TP. Hồ Chí Minh, Đại hội đồng CSCAP (2011) tại Hà Nội, Hội thảo thường niên NEAT (2011) tại Hà Nội… Học viện Ngoại giao cũng chủ trì tổ chức tiến trình Hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông từ năm 2009 đến nay. Những thành tựu của ngoại giao học giả của Việt Nam không tách rời những thành tựu của đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới nói chung.

Trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động sâu sắc, công cuộc hội nhập toàn diện vào đời sống quốc tế đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cho công tác nghiên cứu dự báo chiến lược kết hợp với hoạt động ngoại giao học giả, đối ngoại kênh II của Việt Nam. Ngày nay, kênh II đã thực sự trở thành một cơ chế không thể tách rời của hầu hết các diễn đàn đa phương ở khu vực, đồng thời đã trở thành một trong những mũi nhọn trong mặt trận ngoại giao của một số nước chủ chốt. Các mạng lưới kênh II đang khẳng định vai trò là nguồn cung cấp trí tuệ, ý tưởng cho các thể chế quốc tế, đồng thời là nguồn truyền bá thông tin, kiến thức chuyên môn cho đại chúng, nhất là các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, truyền thông cũng như doanh nghiệp và người dân về thách thức đối với hòa bình, an ninh, cũng như khuyến nghị về cách thức ứng phó với các thách thức nói trên. Nói cách khác, kênh II sẽ có tác động ngày càng mạnh vào quá trình hoạch định chính sách của các chính phủ cũng như quá trình phối hợp chính sách và xây dựng đồng thuận tại các diễn đàn quốc tế.

Từ đó, yêu cầu đặt ra là ngoại giao học giả của Việt Nam cần chủ động, tích cực, có trách nhiệm hơn nữa trong các hoạt động ngoại giao kênh II ở các diễn đàn khu vực và đối thoại kênh II với các đối tác chủ chốt, đặc biệt là không ngừng nâng cao hàm lượng chất xám, tính hiệu quả và sự nhạy bén. Bối cảnh mới cũng đặt ra yêu cầu phải hội nhập sâu vào cộng đồng học thuật, cộng đồng chuyên gia ở khu vực trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam. Mặt khác, đối với ngoại giao học giả thì yếu tố con người có vai trò quyết định. Đầu tư vào chất xám luôn luôn là một định hướng đầu tư khôn ngoan về dài hạn, và điều này càng khẳng định tính đúng đắn của việc xây dựng đội ngũ chuyên gia, học giả đẳng cấp quốc tế, vừa “hồng” vừa “chuyên”, tương xứng với đòi hỏi của đối ngoại Việt Nam trong tình hình mới.

TS. Nguyễn Nam Dương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao