Trả lời phỏng vấn của Báo TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, Giám đốc Sở Ngoại vụ Nghệ An Trần Khánh Thục chia sẻ, kê từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 đến nay, công tác ngoại vụ địa phương đứng trước nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức.
Hai năm xảy ra đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động đối ngoại ở địa phương. Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn như vậy, tỉnh Nghệ An đã rất chủ động linh hoạt trong vấn đề triển khai các hoạt động đối ngoại địa phương.
Trước hết là tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, các đơn vị trực thuộc Bộ và các Bộ ngành liên quan.Thứ hai là trong thời gian qua, Nghệ An đã chủ động trong các hoạt động đối ngoại, nỗ lực vượt qua các khó khăn và đạt được một số kết quả.
Điển hình như Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên đặt hội nhập quốc tế là một mục tiêu rất quan trọng và nâng lên ở mức độ rất cao. Tỉnh đã triển khai hợp tác với Bộ Ngoại giao để xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế Nghệ An từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Đây như là "kim chỉ nam" của Nghệ An trong công tác đối ngoại của tỉnh trong thời gian tới, với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Nghệ An cũng tập trung vào 3 lĩnh vực đối ngoại là ngoại giao văn hóa, ngoại ngoại giao kinh tế và ngoại giao an ninh quốc phòng, trong đó, ngoại giao kinh tế là một trong những điểm sáng.
Tỉnh cũng đã linh hoạt trong chuyển đổi các hoạt động gặp gỡ trực tiếp sang trực tuyến và mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục giúp đỡ giữ vững các mối quan hệ truyền thống trước đây đã có và tiếp tục mở rộng hơn mối quan hệ với các đối tác nước ngoài tiềm năng.
Thứ ba, Nghệ An tiếp tục quảng bá mạnh mẽ về ngoại giao văn hóa. Đặc biệt là triển khai quảng bá di sản ví dặm Nghệ tĩnh cũng như các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Trần Khánh Thục gửi lời cảm ơn tới Vụ Ngoại giao văn hóa &UNESCO (Bộ Ngoại giao) đã hỗ trợ xây dựng hồ sơ đệ trình và đưa vào danh sách vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương là danh nhân văn hóa.
đồng hành cùng phát triển kinh tế, Nghệ An cũng rất chú trọng vấn đề phòng chống dịch Covid-19, xử lý tốt các vấn đề lãnh sự, bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng như người nước ngoài ở Việt Nam.
Được UBND tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài, trong 2 năm qua, Sơ Ngoại vụ tỉnh Nghệ An đã tiến hành nhâp cảnh cho gần 1.000 chuyên gia nước ngoài, đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài những kết quả đạt được, Nghệ An cũng gặp rất nhiều khó khăn như kết nối với các đối tác nước ngoài; thách thức với nhiều doanh nghiệp địa phương khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do...
Ông Trần Khánh Thục mong rằng trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành, đặc biệt là các Cơ quan Đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối cho tỉnh tiếp tục phát huy những đối tác truyền thống ở khu vực Đông Bắc Á và mở rộng thêm các thị trường như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ để thúc đẩy kêu gọi đầu tư, trao đổi thương mại và các vấn đề liên quan.
"Để có thể thúc đẩy thương mại, xuất khẩu nông sản - một lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Nghệ An đến các thị trường tiềm năng, chúng tôi cũng đã thay đổi tư duy từ bán những gì mình có sang bán những gì các thị trường cần, đặc biệt là thị trường EU. Tuy nhiên, tiêu chuẩn và điều kiện của họ rất cao, chúng tôi đang thiếu thông tin và yêu cầu về tiêu chuẩn của họ, rất mong Bộ Ngoại giao cùng các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho tỉnh", ông Trần Khánh Thục chia sẻ.