Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn (giữa) chủ trì Tọa đàm quốc tế Địa phương - chủ thể của hợp tác quốc tế, tháng 8/2014. |
"Chủ động đóng góp xây dựng luật chơi"
Thứ nhất, các hoạt động đối ngoại sôi động trong năm 2014 đã góp phần tạo xung lực, đưa quan hệ kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực và hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao ta tới các nước đối tác chiến lược như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... đã giúp đẩy mạnh, cụ thể hóa các khuôn khổ hợp tác song phương, qua đó thúc đẩy các dự án hợp tác năng lượng lớn với Nga, tăng cường thu hút FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, vận động Nhật Bản cam kết duy trì ODA ở mức cao, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may với Ấn Độ...
Với các nước láng giềng, Đông Nam Á, ta tiếp tục thúc đẩy hiệu quả các cơ chế hợp tác kinh tế song phương với Lào, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Myanmar..., hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các dự án tại khu vực này. Tại các thị trường tiềm năng, ngành Ngoại giao tiếp tục phát huy tốt vai trò "đột phá, mở đường", góp phần đa dạng hóa đối tác, thị trường, như thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác thương mại, hàng không... với các nước ở khu vực Trung Đông như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)..., hỗ trợ thúc đẩy các dự án nông nghiệp, dầu khí, viễn thông tại châu Phi (Mozambique, Tanzania, Burundi, Cameroon...) và Mỹ La-tinh (Cuba, Haiti, Peru, Venezuela...). Công tác vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam đạt kết quả vượt bậc với việc 12 nước chính thức công nhận trong năm 2014, nâng tổng số nước công nhận lên 56 nước.
Thứ hai, trong hội nhập kinh tế quốc tế, ta đã chủ động tham gia tích cực và tranh thủ các diễn đàn quốc tế như APEC, ASEM, ASEAN... để thúc đẩy các nội dung hợp tác có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam như đàm phán thiết lập các khu vực mậu dịch tự do (FTA), phát triển bền vững, hỗ trợ kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, kinh tế biển, bảo vệ môi trường và nguồn nước; nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)... Trong năm 2014, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán các FTA với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và Hàn Quốc, đạt nhiều tiến triển và thống nhất sớm hoàn tất đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU).
Trong hợp tác tiểu vùng, Việt Nam nhấn mạnh việc đảm bảo cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế - con người - môi trường, vận động các đối tác tài trợ cho phát triển và kết nối tiểu vùng Mekong, chủ động đề xuất nội dung bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bao gồm nguồn nước vào Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 5 (12/2014); chủ động đề ra sáng kiến kết nối ba nền kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia tại Hội nghị cấp cao lần thứ 8 của Tam giác phát triển CLV (11/2014). Đặc biệt, nhằm phát huy vai trò của đối ngoại đa phương khi nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam lần đầu tiên đã tổ chức Hội nghị "Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách với Việt Nam" (8/2014) với sự tham dự của nhiều diễn giả uy tín trong và ngoài nước, qua đó giúp định hướng triển khai hiệu quả đối ngoại đa phương trong thời gian tới, từng bước thúc đẩy thay đổi tư duy từ "tham gia tích cực" sang "chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung" tại các diễn đàn đa phương.
Thứ ba, công tác thông tin, nghiên cứu và dự báo kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh. Tận dụng mạng lưới gần 100 Cơ quan đại diện ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo Chính phủ tình hình kinh tế thế giới phục vụ thiết thực cho công tác điều hành kinh tế - xã hội. Bộ Ngoại giao cũng tích cực mời các chuyên gia quốc tế như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Roesler... đến Việt Nam để trao đổi, tư vấn về chiến lược phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tháng 9/2014, Bộ Ngoại giao đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quan trọng về thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học - công nghệ tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực khoa học -công nghệ của đất nước.
Thứ tư, ngành Ngoại giao tích cực đồng hành, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường, như duy trì cơ chế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phát triển hợp tác nông nghiệp, xúc tiến xuất khẩu nông sản; phối hợp tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch tại địa phương như "Hội nghị Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc và Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao năm 2014" nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (5/2014), Diễn đàn hợp tác phát triển Mekong (MDEC) thường niên tại Sóc Trăng (11/2014)...; thúc đẩy triển khai mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh, góp phần tạo thuận lợi cho phát triển thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Lào...; định kỳ tổ chức Hội nghị giao ban Ngoại vụ ba miền và các lớp bồi dưỡng kiến thức để cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức và năng lực trong công tác NGKT và hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ cán bộ địa phương. Trang mạng NGKT trực tuyến của Bộ Ngoại giao tiếp tục được vận hành hiệu quả, giúp kết nối các cơ quan và doanh nghiệp trong và ngoài nước kịp thời nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội thương mại, đầu tư, góp phần tăng cường hiệu quả hợp tác.
Thứ năm, Bộ Ngoại giao chủ động thúc đẩy công tác quảng bá quốc gia, như tiếp tục chủ trì, phối hợp tổ chức thành công các sự kiện Những ngày Việt Nam tại Hà Lan (9/2014), Qatar và UAE (12/2014), trong đó chủ động lồng ghép quảng bá các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trong các hoạt động kinh tế - văn hóa của sự kiện, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.
Bộ Ngoại giao cũng tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các hình thức để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam; chủ động xây dựng kế hoạch của Bộ Ngoại giao với các giải pháp thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ về thúc đẩy, phát triển du lịch giai đoạn 2014 - 2020.
Những định hướng rõ ràng
Năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2015 của Việt Nam, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành và các FTA với một số đối tác quan trọng hướng tới hoàn tất đàm phán hoặc ký kết, qua đó mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho kinh tế Việt Nam.
Xuất phát từ tình hình trên, quán triệt triển khai Chỉ thị 03 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao về các biện pháp đẩy mạnh công tác NGKT giai đoạn 2014 - 2015, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục tập trung vào các nội dung sau: Đưa quan hệ kinh tế với các nước đi vào chiều sâu để mở rộng thị trường cho hàng hóa và lao động của Việt Nam, tranh thủ vốn, công nghệ, thu hút khách du lịch quốc tế; Chủ động, tích cực tham gia hiệu quả và thực chất trong diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế, tranh thủ hợp tác đa phương giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác song phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu kinh tế; Chủ động phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả xúc tiến kinh tế đối ngoại; và tiếp tục kiện toàn cơ chế chỉ đạo, phối hợp và nâng cao năng lực công tác NGKT.
Trước ngưỡng cửa năm mới 2015, tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm, định hướng rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, công tác NGKT sẽ tiếp tục được đẩy mạnh một cách thiết thực và hiệu quả, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần đưa nước ta tiếp tục phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng và bền vững.
Nhân dịp này, tôi xin chúc Báo Thế giới & Việt Nam và độc giả một năm mới sức khỏe dồi dào, thành công và may mắn.
Bùi Thanh Sơn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao