📞

Ngoại giao và Nông nghiệp bắt tay gỡ khó cho xuất khẩu nông sản

08:32 | 18/12/2015
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế”, nhằm cùng tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu Việt Nam và đại diện các Cơ quan Đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên Khai mạc Hội thảo.

Với các tham luận và nhận định sâu sắc từ những người trực tiếp nghiên cứu và tiếp cận xuất khẩu nông sản, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về các cơ hội, thách thức và biện pháp tháo gỡ vướng mắc đối với mặt hàng nông sản của Việt Nam khi tiếp cận thị trường nước ngoài; đồng thời tạo cơ hội kết nối cho các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản với các cơ quan đại diện và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Sau 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng như gạo, cao su, cà phê, hạt điều, thủy hải sản. Ngày nay, bối cảnh hội nhập sâu rộng, với việc tham gia đàm phán ký kết thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) và Liên khu vực như FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đang tạo thêm nhiều cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp. Cơ hội tiếp cận thị trường nhập khẩu rộng lớn, song hành với sức ép cạnh tranh ngày càng nhiều hơn ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Phát biểu tại phiên Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong các hoạt động ngoại giao kinh tế, với hệ thống gần 100 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy, mở rộng thị trường nông sản.

Năm 2015, trong bối cảnh xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang các thị trường lớn. Tại Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam đã hỗ trợ tháo gỡ vấn đề kiểm dịch để Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu xoài của Việt Nam và nới lỏng quy chế về hàm lượng kháng sinh cho tôm Việt Nam vào thị trường này. Tại Mỹ, Đại sứ quán Việt Nam đã xúc tiến xuất khẩu xoài, vú sữa, vải, nhãn, chôm chôm và vận động để Mỹ giảm thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm cho Việt Nam. Tại Australia, Đại sứ quán Việt Nam đã thúc đẩy Chính phủ nước này lần đầu tiên cấp phép nhập khẩu cho trái vải Việt Nam sau 12 năm đàm phán…

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, với những thành tựu đạt được, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tềm năng, cũng như tận dụng được lợi thế do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Nông nghiệp Việt Nam đang thực sự phải đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến nâng cao vị thế cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm; điều chỉnh cơ cấu, tổ chức và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất; thu hút đầu tư; tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu mới và giữ vững thị trường trong nước. 

Nhìn nhận vấn đề từ thực tế của tỉnh Đồng Tháp, Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Hữu Xuân cho biết, cho dù là Tỉnh đã thu được nhiều kết quả khả quan trong xuất khẩu các mặt hàng như gạo, xoài, cá tra… nhưng những vấn đề nổi lên như chất lượng không đồng đều, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ sản xuất kém, nguyên liệu đầu vào không chủ động được… cho thấy sự phát triển thiếu bền vững. Đó cũng là những vấn đề mà những ngành nông nghiệp khác như chăn nuôi, cũng đang gặp phải.

Theo một số đại biểu, đây là lúc vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải được triển khai quyết liệt hơn bao giờ. Tuy nhiên, có những ý kiến như của Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc cho rằng, đã đến lúc không thể nói đến tái cơ cấu một cách chung chung nữa, mà cần đưa ra cụ thể, lựa chọn phát triển cái gì thực sự có ưu thế, chính sách cụ thể và ai thực hiện…

“Bắt bệnh” cho thực trạng mà Đại diện của tỉnh Đồng Tháp, cũng như các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đưa ra, ông Katsuro Nagai - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản cho rằng, dù nông nghiệp Việt Nam chiếm tới 20% GDP nhưng vẫn bị tụt lại sau, là do phải đối mặt với chuỗi giá trị. Trong đó, 4 vấn đề lớn của nông nghiệp Việt Nam cần phải cải tiến đó là tăng giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản; đầu tư cho chế biến, tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm; nghiên cứu kênh phân phối; marketing xây dựng thương hiệu.

Cuối cùng, khẳng định tiềm năng lớn về nông nghiệp của Việt Nam trong tương lai, cùng với những dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đang khởi động và đã thu được những kết quả ban đầu, ông Katsuro Nagai tin tưởng rằng, các mô hình liên kết nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản hiện nay sẽ cho người nông dân thực sự được hưởng những thứ mà họ xứng đáng được hưởng, chứ không phải những người trung gian đang hưởng lợi gấp nhiều lần so với người nông dân, như hiện nay.  

Minh Anh