Nhỏ Bình thường Lớn

Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022-2023 sẽ có nhiều đổi mới

Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022-2023 sẽ được triển khai theo hướng đổi mới cả nội dung và công tác tổ chức, tạo động lực thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và người dân cả nước

Ngày 19/5, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022-2023.

Qua ba lần tổ chức, uy tín và chất lượng của giải ngày càng được nâng lên, trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, thu hút sự quan tâm, tham gia hưởng tích cực của đông đảo các cơ quan báo chí, các nhà báo trong cả nước và sự ủng hộ của nhân dân.

Công bố dự thảo thể lệ Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022-2023
Quang cảnh cuộc họp. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022-2023 đã công bố dự thảo thể lệ giải.

Thể lệ nêu rõ, các tác phẩm tham dự giải tập trung phản ánh việc phổ biến, tuyên truyền kết quả tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; đấu tranh, lên án các biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương và "lợi ích nhóm", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Bên cạnh đó, các tác phẩm dự giải cần tập trung phản ánh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, những thành tựu, kết quả, những cách làm có hiệu quả của các cơ quan Trung ương, các địa phương, cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân...

Đồng thời, các tác phẩm dự thi phản ánh những khó khăn, thách thức và định hướng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát hiện, phản ánh những chủ trương, chính sách, quy định hiện hành còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực…

Tác phẩm tham dự Giải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng từ ngày 13/11/2021 đến 31/8/2023.

Các loại hình báo chí tham dự Giải gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Thời gian tiếp nhận bài từ ngày phát động đến ngày 31/8/2023 (tính theo dấu bưu điện). Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải Đặc biệt, A, B, C và Khuyến khích cho các loại hình báo chí, trong đó, giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải tập trung thảo luận, tham gia ý kiến đối với các dự thảo kế hoạch triển khai, thể lệ giải lần thứ tư; cho ý kiến vào nội dung yêu cầu cơ cấu giải đã được đề cập trong thể lệ Giải, thảo luận thống nhất phân công nhiệm vụ cụ thể với từng thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải... nhằm tạo sức lan tỏa hơn nữa cho Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực tới đông đảo các cơ quan báo chí và nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022-2023 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng coi là nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Báo chí ngày càng phát huy vai trò quan trọng, có những đóng góp tích cực, hiệu quả trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để giải lần thứ tư được triển khai theo hướng đổi mới cả nội dung và công tác tổ chức, tạo động lực thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và người dân cả nước, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị kế hoạch triển khai giải và nội dung thể lệ giải cần cập nhật, cụ thể hóa những chủ trương mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là nội dung Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai công trình về công nghệ quốc phòng

Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai công trình về công nghệ quốc phòng

Chủ tịch nước nhấn mạnh hai công trình về quốc phòng đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh là kết quả của quá trình nghiên cứu, ...

Phát động Giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ XV, năm 2021-2022

Phát động Giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ XV, năm 2021-2022

Giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ XV dự kiến trao thưởng cho các tác phẩm đoạt giải ...

(theo TTXVN)