Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez. (Nguồn: AP) |
Trong chỉ trích đăng trên mạng Twitter, ông Rodriguez nhấn mạnh, đây là biện pháp mang tính chất ngoài lãnh thổ, vi phạm luật quốc tế và các quy tắc thương mại.
Bộ Tài chính Mỹ trước đó thông báo, tập đoàn Panamericana bị đưa vào Danh sách Quốc gia được chỉ định đặc biệt (SDN) của Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc bộ này, do có các hoạt động liên quan đến ngành dầu khí của Venezuela.
Thông cáo của Bộ này nêu rõ, Panamericana là tập đoàn thuộc sở hữu hoặc thuộc quyền kiểm soát của Cubametales thuộc Nhà nước Cuba. Sau khi Washington áp lệnh trừng phạt đối với công ty xuất nhập khẩu dầu mỏ Cubametales hồi tháng 7, công ty này đã sử dụng Panamericana làm trung gian để tiếp tục hoạt động và tiến hành một số giao dịch về năng lượng và thương mại quốc tế với một số quốc gia châu Phi và châu Âu nhằm "né" các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, Panamericana còn tiếp nhận một số nhân viên trước đây từng làm việc tại Cubametales vào tập đoàn này.
Theo lệnh trừng phạt, Mỹ sẽ cấm toàn bộ các giao dịch tài chính của công dân Mỹ đối với Panamericana và đóng băng mọi tài sản và lợi ích của tập đoàn này trên lãnh thổ Mỹ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, biện pháp này nhằm trừng phạt Cuba do có “vai trò trực tiếp trong việc ngăn chặn sự khôi phục nền dân chủ Venezuela”.
Cũng trên Twitter, Ngoại trưởng Rodriguez tố cáo việc Ngoại trưởng Mỹ Pompeo chỉ thị cho Đại sứ quán tại Havana “can thiệp vào các vấn đề nội bộ” của Cuba.
Ông Rodriguez cho rằng, những hành động của đại diện ngoại giao Mỹ tại Cuba là bất hợp pháp, nhằm làm suy yếu trật tự hiến pháp Cuba cũng như vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.