Ngoại trưởng Đức Baerbock sẽ công du Trung Quốc từ ngày 13-15/4. (Nguồn: Reuters) |
Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh: "Đối tác, đối thủ cạnh tranh, đối thủ mang tính hệ thống - đó là kim chỉ nam cho chính sách đối với Trung Quốc của châu Âu". Kim chỉ nam này "sẽ xoay theo hướng nào trong tương lai phụ thuộc vào con đường mà Trung Quốc lựa chọn".
Quan chức ngoại giao hàng đầu Đức nói rõ: "Với chiến lược mới đối với Bắc Kinh, chúng tôi sẽ tính đến vai trò đã thay đổi của Trung Quốc trên thế giới".
Theo bà Baerbock, có rất nhiều điều phụ thuộc vào việc liệu Đức có thành công hay không trong việc cân bằng hợp lý mối quan hệ trong tương lai với Trung Quốc - một đối tác thương mại lớn nhất của Berlin và là một bên ngày càng muốn "định hình trật tự thế giới theo ý tưởng riêng".
Cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi, nữ Ngoại trưởng Đức bày tỏ "mong muốn hiểu rõ hơn về đường lối mà ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc đang thực hiện", cũng như tìm kiếm các cơ hội để hợp tác nhiều hơn với quốc gia tỷ dân trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, bảo vệ khí hậu và trong các lĩnh vực định hướng tương lai.
Với dân số 1,4 tỷ người, chiếm gần 1/6 dân số thế giới, Trung Quốc đóng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong những năm gần đây, sự thay đổi của Bắc Kinh khiến Đức đang tiến hành điều chỉnh chính sách đối với cường quốc Đông Bắc Á này.
Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp, Trung Quốc đóng vai trò đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, với kim ngạch đạt khoảng 298 tỷ Euro, tăng 21% so với năm 2021.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, khi tới Trung Quốc ngày 13/4, Ngoại trưởng Baerbock sẽ đến Thiên Tân, cách Bắc Kinh khoảng nửa giờ đi tàu, nơi có cảng container lớn nhất miền Bắc của quốc gia Đông Bắc Á và lớn thứ 6 thế giới. Đây cũng là một địa điểm quan trọng đối với các công ty Đức trong khu vực.
Tiếp đó, bà Baerbock sẽ có các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh với người đồng cấp Tần Cương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính.
Ngoài các vấn đề song phương, xung đột ở Ukraine và tình hình ở eo biển Đài Loan cũng sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự.
Ngoại trưởng Đức cho biết, trong chuyến thăm, bà sẽ nhấn mạnh niềm tin chung của châu Âu rằng một sự thay đổi đơn phương hiện trạng ở eo biển Đài Loan và thậm chí là leo thang quân sự sẽ là điều không thể chấp nhận.