📞

Ngoại trưởng Mỹ mong ông Trump nhận thức rõ về biến đổi khí hậu

15:59 | 13/11/2016
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang cố gắng khẳng định nỗ lực của nước Mỹ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi Hiệp định Paris về vấn đề này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm New Zealand, ngày 13/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ, hành động chống biến đổi khí hậu. Ông Kerry đồng thời cho biết, trong tuần tới, ông sẽ tái khẳng định thông điệp này tại Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) đang diễn ra tại Marrakesh (Maroc).

Ông Kerry đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đe dọa rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong khi cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi Hiệp định này nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm cùng các nhà khoa học New Zealand về vấn đề băng tan, ngày 12/11. (Nguồn: Reuteurs)

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định nỗ lực chống biến đổi khí hậu đang đi đúng tiến trình và người dân Mỹ cam kết với tiến trình này. Ông John Kerry cho biết, "đa số người Mỹ tin rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên thực tế và họ muốn vấn đề này được giải quyết".

Theo ông Kerry, riêng năm 2015, Mỹ đã phải chi 8 tỷ USD để làm sạch các thành phố sau các cơn bão đang ngày càng tàn phá mạnh hơn vì biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời nhấn mạnh, đây là vấn đề mà các nhà lãnh đạo không thể bỏ qua. Ông bày tỏ hy vọng, chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhận thức rõ việc này.

Hội nghị COP22 diễn ra từ ngày 7 - 18/11 tại thành phố Marrakech (Morocco), với sự tham dự của 43 nguyên thủ quốc gia và 32 người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới, cùng đại diện của hơn 3.000 tổ chức xã hội dân sự.

Hội nghị đang thảo luận các cách thức thực hiện Hiệp định Paris mà 196 quốc gia đã đạt được hồi năm 2015, với mục tiêu giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, cố gắng giữ ở mức 1,5 độ C. Nếu không có Mỹ - nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính thứ hai thế giới và cũng là nhà tài trợ lớn cho các quỹ chống biến đổi khí hậu - thì nhiệm vụ trên sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. 

(theo Ndtv, Reuters)