Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: Sputnik) |
Ông Lavrov nêu rõ: "Đất nước (Syria) đang dần trở lại cuộc sống thường nhật bình yên. Chỉ còn lại những điểm căng thẳng riêng biệt ở những vùng không do Chính phủ Cộng hoà Arab Syria kiểm soát, ví dụ như Idlib và bờ Đông sông Euphrates".
Theo ông, trong bối cảnh như vậy, nhiệm vụ hàng đầu là cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria và "thúc đẩy tiến trình chính trị để giải quyết khủng hoảng nhằm đạt được sự ổn định lâu dài và chắc chắn ở nước này, cũng như khắp khu vực Trung Đông".
Ông cho biết, Nga rất coi trọng việc duy trì tiếp xúc thường xuyên với các bên ở Syria, kể cả với phe đối lập và Moscow kêu gọi tất cả các nhóm của cộng đồng Syria tham gia vào tiến trình chính trị.
Ông Lavrov nhấn mạnh, nhìn chung, Nga ủng hộ việc khôi phục một nước Syria có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhanh chóng khắc phục hậu quả của khủng bố tràn lan, đưa toàn bộ người dân Syria trở về quê hương của họ.
Xung đột vũ trang ở Syria bùng phát từ năm 2011. Tháng 8/2015, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã đề nghị Nga hỗ trợ quân sự cho nước này. Kể từ ngày 30/9/2015, Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga đã thực hiện hoạt động không kích vào cơ sở hạ tầng của bọn khủng bố. Đến cuối năm 2017, Syria tuyên bố đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hiện Syria đã bước vào kế hoạch thứ nhất của giải pháp chính trị, khôi phục đất nước và hồi hương người tị nạn
Trước đó, cùng ngày, truyền thông Mỹ đưa tin, Bộ Quốc phòng nước này sẽ cử khoảng 150 binh sĩ tới Đông Bắc Syria để tiến hành các cuộc tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ tại đây.
Báo New York Times cho hay, động thái này nằm trong một loạt bước đi ngoại giao và quân sự của Mỹ trong vài tuần gần đây, nhằm xoa dịu căng thẳng trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến việc Washington đang hậu thuẫn cho Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), hoạt động ở miền Bắc Syria. Mỹ hiện có gần 1.000 binh sĩ tại Syria, lực lượng này tham gia chiến đấu chống tàn quân của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hồi tháng 8, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận thiết lập một vùng an toàn tại miền Bắc Syria. Chính phủ Syria đã phản đối thỏa thuận này, cho rằng đây là một sự vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như luật pháp quốc tế.
Hôm 10/9, ông Ibrahim Kalin, Người Phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, Ankara sẽ đơn phương hành động tại miền Bắc Syria, nếu Mỹ không thực thi thỏa thuận này.