📞

Ngoại trưởng Trung Quốc: Bắc Kinh sẽ không là "những con cừu im lặng" trong vụ Huawei

11:14 | 09/03/2019
Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc chiến của Washington với Huawei có thể sẽ bắt đầu, nhất là khi Trung Quốc ra mặt ủng hộ Huawei.

Trung Quốc “về phe” Huawei

Trang Reuters cho biết, vụ kiện của Huawei đánh dấu một sự “rạn nứt” khác giữa Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc kinh tế đã dành phần lớn năm 2018 để giải quyết vấn đề về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nhau.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại họp báo ngày 8/3. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề cuộc họp quốc hội thường niên của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc ủng hộ vụ kiện của “gã khổng lồ” Huawei tại Mỹ.

Theo ông Vương Nghị, sự việc này không đơn thuần là một vụ án tư pháp thuần túy, mà là một động thái chính trị có chủ ý nhằm vào doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và công ty nước này. Theo đó, Bắc Kinh sẽ ủng hộ Huawei và cá nhân các công ty của nước này trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính họ thay vì chấp nhận trở thành “những con cừu im lặng".

“Những gì chúng tôi làm không chỉ đại diện cho lợi ích một công ty mà còn đại diện cho quyền phát triển của một quốc gia, bằng cách mở rộng quyền cơ bản của tất cả các doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng, tất cả các bên sẽ tuân thủ quy tắc, vượt qua rào cản định kiến, hình thành nên một môi trường lành mạnh để người dân trên thế giới tương tác với nhau".

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin rằng, Mỹ và Huawei sẽ không và không nên tiến tới đối đầu, cách giải quyết vấn đề có thể được tìm thấy miễn là dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”, ông Vương Nghị khẳng định.

Cuộc đại chiến còn tiếp diễn

Ngày 7/3 vừa qua, Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc cho biết, tập đoàn này đã chính thức khởi kiện Chính phủ Mỹ liên quan đến việc Washington cấm các cơ quan liên bang nước này mua và sử dụng thiết bị và các dịch vụ của Huawei.

Chủ tịch luân phiên của Huawei Quách Bình tuyên bố: "Quốc hội Mỹ đã liên tục không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để giải thích cho việc cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei. Chúng tôi buộc phải sử dụng hành động pháp lý này như là giải pháp thích hợp cuối cùng".

Ông Quách Bình cho biết, đơn kiện của họ đã được trình lên tòa án ở bang Texas, cáo buộc chính phủ Mỹ đã làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ tại Mỹ. "Lệnh cấm này không chỉ bất hợp pháp mà còn hạn chế Huawei cạnh tranh công bằng, gây tổn hại đến người tiêu dùng Mỹ" - ông Quách Bình khẳng định.

Trước đó, ngày 1/12/2018, Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của phía Mỹ với các cáo buộc rửa tiền và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Vụ bắt giữ đã thổi bùng căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc khi Bắc Kinh tiến hành bắt giữ 4 công dân Canada chỉ sau đó vài ngày.

Phiên tòa xem xét tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ đang được tiến hành. (Nguồn: CNN)

Việc bắt giữ Mạnh Vãn Chu đã nhanh chóng biến bà thành một nhân vật trung tâm trong cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ xem xét can thiệp vào vụ kiện của Mạnh Vãn Chu nếu điều đó sẽ giúp chấm dứt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, luật sư của bà Mạnh Vãn Chu nói với tòa án Canada rằng, ông lo ngại các cáo buộc chống lại bà Mạnh Vãn Chu có tính chất chính trị và không chú ý đến những bình luận của ông Trump.

Trong thời gian qua, Washington nỗ lực thuyết phục đồng minh "tẩy chay" Huawei vì cho rằng, các thiết bị của tập đoàn này có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp. Huawei liên tục phủ nhận cáo buộc này trong khi kêu gọi các nước trên toàn thế giới phớt lờ cảnh báo của Washington.

Kể từ tháng 8 năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cấm sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Huawei và ZTE Corp, một doanh nghiệp viễn thông khác của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia pháp lý Mỹ, Huawei đang chống lại hàng loạt cáo buộc của Mỹ như gian lận ngân hàng, ăn cắp công nghệ hay hoạt động gián điệp. Ông Peter Henning, Trường Đại họv Luật Wayne State (Mỹ) nhận định, các nỗ lực chống lại Mỹ của Huawei sẽ không hiệu quả vì "Mỹ sẽ không chùn bước bởi những vụ kiện cáo này".

Trong khi đó, ông Alexander Capri, chuyên gia tại Trường Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, cáo buộc gián điệp của Washington đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Huawei, nếu bị nhiều nước đồng minh Mỹ tẩy chay, họ sẽ gặp rắc rối lớn.

“Cuộc phản công của “gã khổng lồ” công nghệ Huawei đối với các cáo buộc của Mỹ phản ánh 2 mong muốn của tập đoàn này đến từ Trung Quốc. Đó là chống lại những tuyên bố có thể làm mất hàng tỉ USD doanh thu bán hàng của họ tại thị trường quốc tế và phá vỡ hệ thống tư pháp Mỹ”, ông Alexander Capri nói.

Theo Bloomberg, một trong những nguyên nhân khiến các công tố viên Mỹ quan tâm là nghi vấn Huawei ăn cắp bí mật thương mại của công ty Mỹ và vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran. Đây cũng là hai vấn đề được chính quyền ông Trump xem là ưu tiên hàng đầu. Nhiều khả năng họ sẽ theo đuổi quá trình tố tụng Huawei đến cùng, bất chấp điều này có thể gây ảnh hưởng đến đàm phán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.