Ngọc Hoàng lại vi hành |
Đã hẹn Bút Trúc mang xe ra đón nhưng anh ta còn bận xếp hàng chờ kiểm định nên Ngài bèn ngồi tạm trong công viên vừa dỡ bỏ hàng rào. Nơi này vắng lặng, không có loa phường nên Ngọc Hoàng tĩnh tâm nghiền ngẫm sự đời trong khoảng lặng giao mùa giữa năm con Hổ và năm con Mèo.
Đã hai năm liền không xuống hạ giới bởi dịch Covid-19 hoành hành, Ngọc Hoàng muốn tận mắt xem các báo cáo trực tuyến của Bút Trúc chính xác được mấy phần.
Buồn trông thế giới năm Dần
Đạn bom cày nát một phần trời Âu
Khắp nơi thiếu gạo, thiếu dầu
Mùa Đông lạnh giá trốn đâu bây giờ
Các vương quyền nỡ làm ngơ?
Năm Dần chứng kiến hàng loạt sự kiện lớn lao nhưng bị che khuất bởi xung đột tại Ukraine đã kéo dài gần một năm mà chưa có hồi kết. Xung đột địa chính trị và các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây áp đặt đã tạo ra sức ép mới với nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của thế giới vốn đã khan hiếm trong bối cảnh kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, dẫn đến đứt gãy trong mối quan hệ cung cầu đã tồn tại nhiều thập kỷ. Các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã bị tác động theo.
Nghịch cảnh là ở nhiều nước châu Âu người ta phải tìm củi thay cho khí đốt, thậm chí có nơi không có điện nên phải độ xe từ chạy điện sang chạy dầu.
Chính phủ nhiều nước chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các công ty năng lượng lớn như Uniper của Đức. Nhiều nơi đang tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó, nhiều quốc gia không đủ dự trữ ngoại tệ nên rơi vào tình trạng cạn kiệt nhiên liệu.
Bên cạnh đó, nạn thiếu lương thực đã xảy ra trầm trọng. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính có tới 205 triệu người ở 45 quốc gia đang gặp khủng hoảng lương thực, tăng 17% so với 2021. Giá năng lượng và lương thực cùng lên cao đã khiến cho nhiều quốc gia chịu lạm phát phi mã.
Tại Mỹ, lạm phát có lúc lên tới trên 9%, mức cao nhất trong hơn 40 năm. Tại châu Âu, lạm phát khu vực Eurozone lập đỉnh lịch sử 10,1%. Các ngân hàng trung ương đã phải gia cố “đê” lãi suất lên cao để ngăn “ lũ” lạm phát càn quét nền kinh tế.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ không chỉ khiến USD mạnh lên mà còn làm cho dòng tiền rút khỏi nhiều thị trường như cổ phiếu và tiền mã hóa.
Chính phủ Trung Quốc từng đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 5,5% nhưng chỉ đạt 4,4% bởi các đợt bùng phát dịch bệnh lặp đi lặp lại, sự sụt giảm của thị trường bất động sản, nhu cầu nội địa lẫn quốc tế đều yếu. Khác với cách đây mươi năm, nhiều nhà kinh tế giờ đây nhận định rằng, Trung Quốc khó giữ thế thượng phong bởi mô hình tăng trưởng không còn phù hợp, lợi thế bất động sản và nguồn lao động giá rẻ không còn, sức ép của Mỹ và đồng minh đối với các ngành công nghệ cao ngày càng tăng, đó là chưa loại trừ khả năng va chạm nóng.
Nhìn chung, kinh tế thế giới năm 2023 vẫn ảm đạm, tiếp tục khó khăn, phức tạp, khó lường, do sự chi phối của nhiều nhân tố: tác động của xung đột ở Ukraine, các dư chấn của đại dịch Covid-19, cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhân tố này liên kết và lồng vào nhau, có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới vào khủng hoảng và tạo nên những bất ổn, căng thẳng và xung đột địa chính trị gay gắt tại nhiều nơi.
Thế giới đang phôi thai một trật tự mới, trong đó các quốc gia tầm trung càng ngày càng có vai trò tự quyết lớn hơn.
Ngọc Hoàng lặng lẽ gật đầu, báo cáo của Bút Trúc khá chuẩn, có ưu, có khuyết và muôn thuở vẫn là có thời cơ và thử thách đan xen nhau.
Định tâm cắt bỏ vi hành Nhưng vì nhớ bạn nên đành phải đi Dở dang nào có ra gì Đã yêu, yêu nốt, hết thì thì thôi! |
Tuy nhiên, cái mà Ngọc Hoàng cần biết chủ yếu là tình hình kinh tế-xã hội của nước Nam. Thật may, năm nay Bút Trúc báo cáo về nước mình khá chi tiết. Tất nhiên mở đầu vẫn là: mặc dù tình hình quốc tế vô cùng phức tạp, diễn biến khó lường, nhưng... Vẫn mặc cảm với kiểu tường trình như vậy, nhưng lần này mắt thấy tai nghe nên Ngài rất ưng cái bụng.
Thứ nhất, qua các con số được kiểm chứng, lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD, tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011- 2022. Thứ hai, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong năm năm qua. Thứ ba, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Thứ tư, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD cùng mức xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước 3,32 tỷ USD) là rất ấn tượng... Thứ năm, vân vân và vân vân...
Cho đến những ngày cuối năm Dần, lò lửa diệt tham nhũng vẫn đỏ rực, chỉ trong năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật Đảng với 38 tổ chức Đảng, 166 đảng viên và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 19 tổ chức Đảng, 43 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ XIII, đã có nhiều cán bộ diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, trong đó có những cán bộ bị kỷ luật nặng như khai trừ Đảng, khởi tố hình sự, truy tố, xét xử. Có thể nói rằng, xử lý kỷ luật không trừ ai, diễn ra ở mọi ngành, mọi cấp, từ Trung ương tới địa phương, từ biên giới đến biển đảo...
Đã nhiều năm nay, Ngọc Hoàng từng lưu ý, xử phạt tham nhũng thì tốt rồi, nhưng tài sản bất minh thu lại được bao nhiêu? Kinh khủng hơn, tham nhũng là vấn nạn nhưng sự mất mát do lãng phí và vô trách nhiệm còn lớn hơn nhiều nhưng chưa ai tính hết!
Trước sức ép từ “hơi nóng” của kinh tế toàn cầu, dự báo năm 2023 sẽ có nhiều biến động và thách thức phức tạp khó lường tác động đến kinh tế nước Nam. Điều này đã xuất hiện vào những tháng cuối năm, tình trạng khan hiếm đơn hàng từ các thị trường lớn.
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 đã được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nhận định đang đứng trước ba “cơn gió nghịch” cần vượt qua đó là: chính sách thắt chặt tiền tệ, xung đột ở Ukraine và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Trong đó, nổi lên mấy việc: chứng khoán lên xuống, phục hồi nhưng chưa bền vững; trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, thanh khoản, cung ứng tiền có vấn đề; thị trường bất động sản ách tắc; thị trường lao động, nguồn xăng dầu, thuốc chữa bệnh... hụt hẫng cục bộ. Là một nền kinh tế mở nhất nhì thế giới, khi gió hội nhập đổi chiều, nước Nam phải tính lời giải phù hợp.
Xuống hạ giới lần này, Ngọc Hoàng chứng kiến lắm chuyện buồn. Từ Nữ hoàng Anh, cựu Giáo hoàng, rồi vua bóng đá Pele và nhiều văn nghệ sĩ đã lần lượt ra đi.
Qua đêm ắt trời lại sáng, còn nhớ Tết năm ngoái người ta khắc khoải hát bài: “Tét, tét, tét đến rồi. Tét, tét đi cho tiền lòi...” thì năm nay pháo hoa nổ rực đất trời. Bút Trúc bịn rịn chia tay Ngọc Hoàng, năm nay trong rủi có may, sếp của anh ta được “cắt cu”, Báo nhà lại được nhận Bằng khen về Tuyên truyền đối ngoại, riêng Bút Trúc toại nguyện ước mong được bình luận cho trận cầu chung kết AFF. Bút Trúc ngậm ngùi trước buổi chia ly:
Tiễn đưa chẳng muốn chia tay
Ngọc Hoàng về với trời mây ngàn trùng
Quý Mão thả sức vẫy vùng
Trèo cao, diệt chuột vui cùng thế gian!
Cầu mong mọi sự bình an
Chúc nhau năm mới muôn vàn yêu thương...