Ngành công nghiệp 4.000 năm
Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ và Vịnh Mannar ở Sri Lanka, từng là trung tâm buôn bán ngọc trai quốc tế trong hơn 4.000 năm.
Từ thời cổ đại, khu vực này đã sản xuất một số ngọc trai tự nhiên tốt nhất thế giới, cung cấp cho triều đình của các vị vua và nữ hoàng cổ đại của Lưỡng Hà, Ai Cập và sau đó là đế chế Hy Lạp, La Mã và Byzantine.
Kuwait cũng từng là một trong những trung tâm của ngành công nghiệp này ở Vịnh Ba Tư, với lịch sử phát triển ngành ngọc trai ít nhất 4 thiên niên kỷ.
Nghề đánh bắt ngọc trai tại Kuwait đã từng có thời kỳ huy hoàng cho đến trước thế kỷ 19. (Nguồn: Pinterest) |
Trước khi phát hiện dầu mỏ vào những năm 1930 và khai thác sau Thế chiến II, hoạt động kinh tế chính ở Kuwait và vùng Vịnh Ba Tư là khai thác tài nguyên ngọc trai chủ yếu ở phía Arab của Vịnh Ba Tư.
Lịch sử nuôi bắt ngọc trai ở Vịnh Ba Tư đã tồn tại hơn 4 thiên niên kỷ. Các tài liệu tham khảo về ngành công nghiệp này đã được đưa ra bởi các nhà văn đầu tiên như nhà sử học Hy Lạp Pliny và, nhà địa lý La Mã Ptolemy thế kỷ thứ II sau Công nguyên.
Theo lịch sử, cư dân sống quanh Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ và Vịnh Mannar đã phát hiện và đánh giá cao vẻ đẹp, giá trị của ngọc trai tự nhiên được tạo ra từ con trai, mở ra ngành công nghiệp ngọc trai.
Thăng trầm cùng lịch sử
Kể từ đó đến nay, ngành công nghiệp ngọc trai của Kuwait đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Có giai đoạn, ngọc trai trở thành sản phẩm xuất khẩu chính của quốc gia vùng Vịnh, bên cạnh ngựa, chà là, gỗ và gia vị.
Từ đầu thế kỷ XVII cho đến những năm 1930, nền kinh tế quốc gia này chủ yếu phụ thuộc vào nghề lặn ngọc trai ngoài khơi Vịnh Arab, nơi có trữ lượng dồi dào nhất trên thế giới. Vào đầu thế kỷ XX, Kuwait có gần 700 chiếc thuyền làm nghề lặn ngọc trai với lực lượng lao động sử dụng khoảng 15.000 người.
Mùa lặn ngọc trai thường kéo dài trong 4 tháng, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 9. Trong 8 tháng còn lại, thương nhân thường sử dụng tàu để buôn bán và đánh bắt xa bờ. Đây là cơ sở cho ngành công nghiệp đóng tàu và hàng hải phát triển của Kuwait.
Ngư dân Kuwait thường xuyên ghé vào các cảng ở Trung Đông, bờ biển Đông của châu Phi, tiểu lục địa Ấn Độ và Sri Lanka. Bằng chứng lịch sử cho thấy ngư dân đánh bắt ngọc trai Kuwait đã đi thuyền đến tận Vịnh Mannar, giữa tiểu lục địa Ấn Độ và Sri Lanka, đặc biệt trong mùa đánh bắt của những ngư trường ngọc trai này.
Người ta cho rằng ngọc trai tự nhiên của Kuwait tạo ra do sự kết hợp của môi trường đất, độ mặn của nước, của điều kiện khí hậu và những điều kiện tình cờ khi có một vật lạ nhỏ bên ngoài hoặc hạt cát chui vào bên trong con sò, trai và nằm luôn trong đó. Bị kích thích bởi vật lạ này, con trai tạo ra một lớp xà cừ bao bọc lấy hạt cát xâm nhập đó. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều năm và tạo ra một viên ngọc tuyệt vời. |
Trong 3 thế kỷ, nền kinh tế dựa trên ngành công nghiệp ngọc trai, đi biển và buôn bán của Kuwait đã phát triển mạnh so với phần còn lại của khu vực. Nó đã tạo ra một tầng lớp thương gia thịnh vượng, song không mang đến thu nhập ổn định cho phần lớn dân số, chủ yếu là những người thợ lặn ngọc trai và lao động bổ sung.
Song có thăng ắt có trầm. Quy trình sản xuất ngọc trai nuôi cấy quy mô lớn ở Nhật Bản vào những năm 1930, cùng cuộc Đại suy thoái ít lâu sau đó đã khiến ngành công nghiệp ngọc trai truyền thống ở Kuwait dần lao dốc. Những người thợ lặn ngọc trai và gia đình bước vào một thời kỳ kinh tế khó khăn chưa từng thấy.
May mắn thay, một nguồn thu mới đầy hứa hẹn đã xuất hiện. Năm 1938, dầu mỏ được phát hiện tại Kuwait. Sau khi Thế chiến II kết thúc và việc khai thác, xuất khẩu dầu được đẩy mạnh, phần lớn dân số Kuwait mới dần thoát ra khỏi tình trạng kinh tế sa sút, và bắt đầu tận hưởng thành quả của sự giàu có.
Các thợ lặn ngọc trai đã tìm thấy công việc thay thế trong ngành công nghiệp dầu mỏ đang phát triển. Ngành công nghiệp ngọc trai tại Kuwait cũng vì thế mà dần dần mai một…
Tìm ngày trở lại
Tuy nhiên, dù cuộc sống đã đủ đầy, người Kuwait không quên bản sắc ngàn xưa.
Tháp Kuwait, một trong những công trình biểu tượng của Kuwait, lấy cảm hứng từ những viên ngọc trai, thể hiện niềm tự hào của người dân về ngành nghề khởi đầu xa xưa của cha ông mình.
Quan trọng hơn, chính phủ Kuwait đã nỗ lực để hồi sinh ngành công nghiệp ngọc trai tự nhiên. Vào tháng 6 hàng năm, Kuwait thường tổ chức lễ hội lặn ngọc trai kéo dài cả tháng, để tri ân tổ tiên của ngành, những người đã cống hiến cuộc đời cho ngành công nghiệp ngọc trai hình thành nền tảng giàu có của Kuwait trong quá khứ.
Các lễ hội cũng giúp thế hệ trẻ Kuwait nhìn nhận và đánh giá cao những thăng trầm, khó khăn mà tổ tiên của họ đã trải qua nhằm bảo vệ và giữ gìn ngành công nghiệp nhiều vinh quang nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này.
Qua đó, lễ hội cũng giúp lưu giữ truyền thống lặn mò ngọc trai đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Kuwait.
Một bé gái người Kuwait đứng chờ các thợ lặn ngọc trai trở về trong lễ hội lặn ngọc trai của Kuwait năm 2019. (Ảnh: Gazi/Tân hoa xã) |
Lặn ngọc trai ở Kuwait được gọi là “ghaus” và những người tham gia lặn được gọi là “ghawawis”. Các thợ lặn sử dụng các thiết bị truyền thống như “Dieng” (giỏ đeo cổ), “hager” (mỏ neo) và “fotam” (kẹp mũi). Thời điểm kết thúc của lễ hội gọi là “qafal” được tổ chức với các tiết mục ca hát và nhảy múa truyền thống.
Công chúng Kuwait đã hưởng ứng nhiệt tình và tham gia lễ hội, thể hiện mong muốn bảo tồn truyền thống và văn hóa dân tộc. Lễ hội cũng thu hút khách du lịch và bạn bè quốc tế: Nhiều người hào hứng tham gia lặn thi sau khi được đào tạo ban đầu.
Niềm tự hào về viên “ngọc trai Kuwait” cũng góp phần nhắc nhở người dây Kuwait về ngành công nghiệp ngọc trai huy hoàng một thời của quốc gia vùng Vịnh.
Viên “Ngọc trai Kuwait” có thiết kế đặc biệt, mang phong cách thế kỷ XIX cùng độ bóng mượt rực rỡ và trắng ngà đặc trưng của ngọc trai tự nhiên từ vùng Vịnh Ba Tư, từng được chủ nhân đầu tiên kết hợp làm mặt dây chuyền đeo cổ.
“Ngọc trai Kuwait” có hình dạng giọt nước gần như hoàn hảo, trọng lượng 64,35 carat, (12,87 gram), kích thước chiều dài và rộng lần lượt là 41,28 x 19,05 mm. Nó được biết đến là viên ngọc trai tự nhiên lớn thứ 6 và một trong 12 viên ngọc trai quý hiếm nhất thế giới.
Viên 'Ngọc trai của Kuwait". (Nguồn: Viện Smithsonian) |
Chủ sở hữu hiện tại của viên ngọc trai này là Bond Street, hãng kim hoàn Symbolic & Chase, mua vào năm 24/11/2004 với giá 150.000 bảng Anh (270.000 USD) và đặt tên là “Ngọc trai Kuwait” để ghi nhận và phản ánh chân thực về nguồn gốc tự nhiên của viên ngọc trai.
Thương vụ này được thực hiện tại Christie's ở London từ một gia đình tư nhân giấu tên ký gửi để bán đấu giá năm 2004.
“Ngọc trai Kuwait” hiện là một phần của triển lãm Ngọc trai tại Bảo tàng Victoria và Albert ở London.