📞

Ngôi vị nào cho sắc đẹp Việt?

10:12 | 07/01/2008
Năm 2007 được coi là năm đánh dấu sự lên ngôi của nhan sắc Á Đông bởi người chiến thắng tại hai cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh đều là những cô gái Châu Á. Riyo Mori - người Nhật Bản là Hoa hậu Hoàn vũ 2007 và Trương Tử Lâm (Trung Quốc) là Hoa hậu Thế giới. Việt Nam cũng liên tiếp cử các người đẹp tham dự những cuộc thi sắc đẹp quốc tế, lớn có, nhỏ có, nhưng rốt cuộc kết quả chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Vẫn chỉ là “giao lưu” và “học hỏi”

Công bằng mà nói, xét về ngoại hình, các người đẹp Việt Nam không “thua chị, kém em”, nhất là trong thời điểm vẻ đẹp Châu Á thuần khiết đang được “ưa chuộng”. Các đại diện được cử đi thi đều là những người đoạt giải trong nước, chiều cao cũng không phải là vấn đề nan giải như vài năm trước (hiện trung bình 1m70), thậm chí Hương Giang còn là thí sinh cao nhất cuộc thi Hoa hậu Châu Á tại Hong Kong.

Thế nhưng, năm 2007, người đẹp của chúng ta vẫn liên tiếp bại trận trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Sự cố gắng của Ái Châu để có được giải Nhất Người có nụ cười đẹp nhất và giải Ba Người có làn da đẹp nhất tại cuộc thi Hoa hậu Tuổi trẻ Quốc tế 2007, cũng như nỗ lực của Trúc Diễm ở Hoa hậu Trái đất (được tổ chức tại “sân nhà” Vinpearl-Nha Trang) với danh hiệu Hoa hậu Thời trang vẫn không thể giúp VN thoát cảnh “dẫm chân tại chỗ” với vị trí 52 như năm 2006.

Chúng ta chưa ôm tham vọng lớn là một ngày gần đây, cái tên Việt Nam sẽ được xướng lên trong giây phút trọng đại nhất của các cuộc thi sắc đẹp, nhưng không khỏi “chạnh lòng” khi lần nào hy vọng giành được một giải thưởng chính vẫn ngoài tầm tay. Đây là bước thụt lùi so với vài năm trước khi Nguyễn Thị Huyền và Mai Phương Thúy đều có thứ hạng trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Nguyễn Thị Huyền top 15 năm 2004 và Mai Phương Thúy top 17 năm 2006). Nếu mục đích của những người đẹp Việt tại các cuộc so tài sắc đầy cạnh tranh này mãi chỉ là “giao lưu và học hỏi”, mà không có quyết tâm và nỗ lực, thì danh hiệu quả là xa vời.

Hội tụ nhiều lý do để... thất bại

Sẽ là thiếu khách quan khi quy tất cả nguyên nhân thất bại của các người đẹp là do chính họ… Với Hoa hậu các nước, đằng sau vương miện là cả một ê-kíp chuyên nghiệp với bóng dáng của những nhà tài trợ, nhà thiết kế, người quản lý… để người đẹp chỉ việc chuyên tâm biểu diễn, giao tiếp làm sao cho ấn tượng, tinh thần thoải mái sẵn sàng cho đêm chung kết. Còn các đại diện của VN đều “đơn thương, độc mã”, tự làm tóc, tự trang điểm, nên hoàn toàn nhạt nhòa trước cả rừng sắc đẹp phô trương lộng lẫy.

Không chỉ thế, sự tham gia của những đại diện VN đều trong tình trạng “bất ngờ” và vội vã. Trong hai cuộc thi Hoa hậu Thế giới gần đây nhất, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền và Mai Phương Thúy phải bỏ lỡ một số phần thi vì… đến muộn, mặc dù thời gian đã được Ban tổ chức công bố trước hàng tháng. Siêu mẫu Phạm Thuỳ Dương khi được hỏi thì ngỡ ngàng vì hoàn toàn chưa được biết thông tin chính thức từ đại diện công ty đưa đi thi. Á hậu Minh Thu hết sức bất ngờ khi được chọn đi thi Hoa hậu Thế giới, bởi theo suy luận của cô, nếu Hoa hậu Ngô Phương Lan từ chối tham dự, Á hậu 1 Teressa Sam sẽ được “thế chân”, đâu đến lượt mình. Điều này được lý giải bởi thủ tục xin phép quá rườm rà. Tất bật ngược xuôi với cả núi việc phải chuẩn bị, người đẹp Việt đâu còn thời gian để định hướng, để quyết tâm cho danh hiệu nào đó, tâm lý chung là cố gắng hoàn thành phần thi sao cho “trót lọt”.

Một nguyên nhân đã được báo chí đánh động từ nhiều năm trước, đó là trình độ ngoại ngữ của người đẹp Việt đã trở thành rào cản cho chính họ. Mang chuông đi đánh xứ người mới thấy người đẹp của ta lúng túng, bối rối đến mức nào. Vốn ngoại ngữ hạn chế, nên giao tiếp thông thường cũng khó, nói gì đến chuyện thể hiện mình. Cộng hưởng nhiều yếu tố khiến người đẹp Việt đều rụt rè, nhút nhát, làm sao có thể tự tin thoải mái như các thí sinh khác sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để thể hiện mình…

Nhiều người từng đặt câu hỏi, tại sao chúng ta có thể đào tạo “gà nòi” các môn Toán, Lý, Hóa… thi quốc tế, trên đấu trường thể thao cũng có điền kinh, taekwondo, bắn súng, còn sắc đẹp thì không. Các công ty tư nhân đã chứng tỏ tiềm lực tài chính mạnh mẽ khi huy động trong vài tuần 15 triệu USD cho cuộc thi Hoa hậu Thế giới ở VN, vậy sao không bỏ ra một phần nhỏ mở một “lò” đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp với chiến lược dài hơi giống như các nước khác? Năm nay, với lợi thế chủ nhà và có kế hoạch chuẩn bị kỹ càng hơn hẳn, liệu người đẹp VN có vinh danh? Mọi câu trả lời còn phía trước…

Việt Nam đăng cai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008

Đây là lần đầu tiên VN được chọn đăng cai cuộc thi sắc đẹp toàn cầu được tổ chức hàng năm. Theo đánh giá của Ban tổ chức và bà Paula Mary Shugart, Chủ tịch Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, công tác chuẩn bị của VN: “Rất tốt. Tuyệt vời và rất ấn tượng!”.

Dự tính, trong thời gian diễn ra cuộc thi sẽ có khoảng 500 thương gia trong nước và quốc tế đến VN tìm hiểu môi trường kinh doanh và xúc tiến thương mại.

Ra đời năm 1952, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được liên tiếp tổ chức tại Mỹ và sau đó được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới. Đây là một trong những cuộc thi sắc đẹp được quảng bá rộng rãi trên khắp thế giới, có lượng khán giả truyền hình tới gần 1 tỷ người từ 170 quốc gia và việc đầu tiên là họ sẽ thấy các đoạn phim, ảnh quảng cáo cho quốc gia tổ chức cuộc thi. Cơ hội quảng bá về đất nước và thu hút khách du lịch thông qua sự kiện này là rất lớn. 

Mai Chi