Nhỏ Bình thường Lớn

Ngủ thế nào tốt cho sức khỏe?

Một giấc ngủ hợp lý sẽ đem lại cho bạn sức khỏe và sự hưng phấn trong công việc. Tuy nhiên, không phải lúc nào, giấc ngủ cũng được quan tâm đúng mức.


Bố trí phòng ngủ

Bạn sẽ không thể ngủ ngon nếu phòng ngủ có mùi hôi hoặc nhiều bụi bặm. Cách tốt nhất là bạn nên vệ sinh phòng ngủ mỗi sáng thức dậy, vừa có một “màn khởi động” cho ngày mới, vừa giúp căn phòng sạch sẽ.

Một quan niệm rất sai lầm là mở rộng cửa sổ. Khi ngủ, cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, do đó, dễ rơi vào trạng thái bị động trước những thay đổi của thời tiết, chẳng hạn như cơn gió lùa đột ngột.

Nhưng cũng không kém phần sai lầm khi bạn đóng kín cửa và bật điều hòa. Chỉ nên làm như vậy vào những hôm trời quá nóng. Khi đóng kín cửa sổ, bạn đã hạn chế sự giao lưu không khí với bên ngoài, bạn sẽ chỉ hít thở một lượng không khí giới hạn trong phòng và sẽ rơi vào trạng thái thiếu ôxy. Một giấc ngủ kéo dài như vậy sẽ gây mệt mỏi. Cách tốt nhất là mở một phần cửa sổ và kéo rèm che cho phòng ngủ của bạn.

Một số người có thói quen cắm hoa và để cây xanh trong phòng ngủ. Chỉ nên dùng những loài hoa có mùi thơm nhẹ, không có nhiều phấn hoa vì phấn hoa có thể gây dị ứng đường hô hấp. Trong khi đó, cây xanh về đêm ngừng quang hợp nên không thể cải thiện ôxy cho căn phòng. Không những thế, trong suốt đêm dài, cây xanh vẫn hô hấp và thải thêm cácboníc, làm phòng ngủ thiếu ôxy, gây hại cho não và giấc ngủ sâu.

Quá nhiều cũng có hại

Những nghiên cứu mới nhất tại Mỹ và Nhật Bản đều cho kết quả chung là ngủ ít quá và nhiều quá đều có hại. Ngủ ít khiến cơ thể không thể hồi phục sau quá trình làm việc, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng là điều ai cũng biết. Ngủ quá 9 tiếng/ngày, được xem là ngủ nhiều, cũng gây nên nhiều vấn đề cho sức khỏe.

Những người có thói quen ngủ nhiều rất dễ trở thành “nạn nhân” của những căn bệnh như suy nhược thần kinh, tính khí thất thường, ảnh hưởng xấu đến tâm lý. Đa phần trong số họ đều gặp phải những rắc rối về mặt tâm lý, ví như rất dễ nổi cáu, hay có những cái nhìn và quan điểm rất bi quan về cuộc sống cũng như đối với những người xung quanh.

Các bằng chứng còn cho thấy, hơn 50% trong số những người ngủ nhiều là đối tượng “tấn công” của căn bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, hay tăng nguy cơ mắc tiểu đường hơn so với những người chỉ ngủ từ 6-8 tiếng trong một đêm.

Trung bình mỗi ngày, ngủ khoảng 8 tiếng là đủ. Nên nhớ con số 8 này bao gồm cả giấc ngủ trưa. Giấc ngủ trưa nên kéo dài 30 phút là có lợi hơn cả.

Nằm ngửa hay nghiêng?

Đã có nhiều tranh cãi về tư thế. Theo quan niệm truyền thống, nằm ngửa duỗi chân duỗi tay là tốt nhất, nhưng những nghiên cứu khoa học mới nhất chỉ ra rằng, nằm nghiêng mới là có lợi.

Tư thế nằm ngửa giúp thân thẳng, chân tay ở tư thế thoải mái. Tuy nhiên, một bộ phận cơ bắp của thân và chân vẫn không được buông lỏng hoàn toàn. Trong khi đó, khi nằm nghiêng, thân hơi cong về phía trước, các khớp của chi được buông lỏng hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hô hấp cũng như hoạt động của tim.

Có ý kiến cho rằng khi nằm nghiêng, thân và lưng gập lại sẽ không tốt cho cột sống. Hoàn toàn không phải như vậy. Ban ngày khi đi, đứng hoặc làm việc, các cơ lưng và cột sống phải thẳng để chịu sức ép từ trọng lượng của cơ thể vì vậy, khi ngủ ở tư thế nằm nghiêng, cột sống và lưng sẽ được thả lỏng, nghỉ ngơi, khôi phục độ đàn hồi và mềm dẻo.

Vị trí đầu và cổ khi ngủ cũng rất quan trọng. Nếu dùng gối quá cao, cơ cổ sẽ bị kéo căng, động mạch cổ bị chèn ép, sau khi ngủ dậy sẽ thấy mỏi cổ, choáng váng. Độ dày của gối tốt nhất là từ 8-15cm.

Ngoài ra, để có giấc ngủ tốt, bạn còn chú ý tập thể dục đều đặn, vì giấc ngủ say còn xuất phát từ nhu cầu nghỉ ngơi sau vận động cơ bắp mệt mỏi. Bên cạnh yêu cầu bài tiết chất độc trong mồ hôi và làm đẹp cơ thể, tập thể dục phù hợp còn làm xuất hiện nhu cầu nghỉ ngơi (ngủ say) vào ban đêm.

Bạn cũng nên tránh một số thói quen cũng có thể gây hại cho giấc ngủ say như mở nhạc lớn hoặc để đèn sáng khi ngủ, xem phim bạo lực hoặc kinh dị, căng thẳng tâm lý quá mức, không tắm sạch…

Hạ Vũ